"Khát" nước sạch sinh hoạt ở vùng ven biển Tây Nam Bộ

Cứ vào mùa khô, người dân nhiều vùng nông thôn ven biển các tỉnh Tây Nam Bộ lại chung nỗi lo thường trực về tình trạng xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày.
0:00 / 0:00
0:00
Vận chuyển tuyến ống về vùng nông thôn tỉnh Cà Mau để mở rộng, kéo dài đường ống cấp nước cho người dân.
Vận chuyển tuyến ống về vùng nông thôn tỉnh Cà Mau để mở rộng, kéo dài đường ống cấp nước cho người dân.

Mặt khác, việc khai thác thiếu kiểm soát khiến nguồn nước ngầm vùng ven biển khu vực này bị suy giảm nghiêm trọng cả về trữ lượng và chất lượng...

Nhiều nơi thiếu nước ngọt

Nguồn nước tại vùng đệm rừng U Minh Hạ, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau luôn nhiễm phèn, cư dân lại thưa thớt nên khó đầu tư các trạm nước sạch. Bà Phan Bé Tư, nhà ở tuyến Kênh 33, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau cho hay: "Dù đã chủ động mua lu, bồn chứa đầy nước vào những tháng mùa mưa nhưng cứ sau Tết Nguyên đán một đến hai tháng là trong nhà không còn nước ngọt dự trữ. Nước dùng để nấu nướng, ăn uống phải đổi từng bình với giá cao. Mùa khô này cũng vậy, tiền mua nước đôi khi còn nhiều hơn tiền mua gạo".

Ở vùng nông thôn tỉnh Bạc Liêu, do địa hình chia cắt bởi hệ thống sông rạch chằng chịt, nguồn nước mặt chủ yếu là nước mặn hoặc nhiễm phèn, nguồn nước ngầm ở một vài nơi bị hạn chế về chất lượng và trữ lượng, ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày của người dân. Ông Trần Thanh, nhà ở ven biển thuộc xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) bức xúc: "Gần đây, nhiều người đua nhau khoan nền đất nước ngọt tự phát, thiếu sự quản lý của chính quyền địa phương, nên chất lượng nguồn nước ngày một kém rõ rệt. Các cây nước do người dân tự khoan hiện chỉ dùng để tắm giặt; để uống và nấu ăn thì phải mua nước đóng thùng, hoặc mua của những hộ có nước máy...".

Ấp Xóm Lẫm, xã Hiệp Thành giáp với phường 5, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu có hơn 280 hộ dân với hơn 1.200 người hiện vẫn chưa có hệ thống nước máy. Hằng ngày, để có nước sạch phục vụ nhu cầu ăn uống, người dân phải đi mua nước đóng bình (các giếng khoan gia đình ở đây bị nhiễm phèn không sử dụng được).

Ông Lâm Phương Bình, 41 tuổi, ở ấp Xóm Lẫm cho hay: "Nhà có giếng nhưng nước bị nhiễm phèn, lại ít; dùng mô-tơ điện bơm mà nước vẫn chảy rất yếu. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền cấp nước sạch tới nhà. Ðịa phương có hứa nhưng nhiều năm rồi vẫn chưa giải quyết".

Tại thị trấn Gành Hào, huyện Ðông Hải (Bạc Liêu), từ nhiều năm nay, hơn 14.000 cư dân đều sử dụng nước giếng khoan. Ngoài sử dụng riêng lẻ, thị trấn Gành Hào có bốn "nhà cung cấp nước" dưới dạng hộ có điều kiện đứng ra khoan giếng nước sâu, sau đó truyền ống, lắp đồng hồ cho các hộ sử dụng. Những trường hợp khác chia theo cụm 5-7 hộ, có một hộ đứng ra khoan giếng rồi chia sẻ cho các hộ chung quanh. Tiền nước tính theo khối như giá bán nước sạch, mặc dù không bảo đảm vệ sinh, không qua lắng lọc.

Các địa phương ven biển Sóc Trăng cũng cùng cảnh "khát" nước ngọt do các sông và cả nước ngầm đều nhiễm phèn, mặn. Nhà ông Thạch Ðôn ở xã Thạnh Thới An, huyện Trần Ðề, đã nhiều năm phải sử dụng nước mặn để sinh hoạt. Nhìn gáo nước lấy từ giếng cũng khá trong nhưng mới đưa vào miệng chúng tôi đã cảm nhận vị mặn chát. Ông Ðôn cho biết, vừa qua, gia đình ông được cấp nước sạch từ hệ thống nước máy nên không còn phải dùng nước mặn trong sinh hoạt như trước đây.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 làm khan hiếm, thiếu nước sinh hoạt của người dân nông thôn. Qua thống kê, toàn tỉnh có 73 xã thuộc 10 huyện, thị xã với gần 29.000 hộ dân bị thiếu nước sạch sinh hoạt. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đưa nước sạch về nông thôn, đến nay, con số này đã giảm, còn khoảng 10.000 hộ.

Tại đồng bằng sông Cửu Long, mức độ ảnh hưởng nặng nhất do hạn hán, xâm nhập mặn ghi nhận vào mùa khô năm 2020-2021 đã làm cho khoảng 96.000 hộ, tương đương gần 500.000 người dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt, tập trung chủ yếu tại các tỉnh: Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Long An và Trà Vinh. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện có khoảng 13 triệu người dân sống ở khu vực nông thôn. Do diễn biến thời tiết bất thường, cực đoan, nguồn nước xâm nhập mặn trên diện rộng, ảnh hưởng đến công tác cấp nước sinh hoạt nông thôn. Ða số công trình cấp nước tập trung bị sụt giảm công suất, thậm chí có những công trình ngừng hoạt động, nhiều hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.

"Khát" nước sạch sinh hoạt ở vùng ven biển Tây Nam Bộ ảnh 1

Thi công công trình đưa nước sạch về nông thôn vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng.

Nỗi lo chất lượng nguồn nước

Thống kê mới nhất của ngành nông nghiệp Cà Mau cho thấy, toàn tỉnh hiện có hơn 233.800 hộ dân vùng nông thôn có nước hợp vệ sinh sử dụng trong sinh hoạt, chiếm hơn 94,52% dân số vùng nông thôn của tỉnh. Trong đó, hộ dân sử dụng nước từ công trình tập trung là hơn 40.850 hộ (17,47%); sử dụng nước từ giếng khoan riêng lẻ là hơn 180.180 hộ (77,05%). Hiện còn khoảng hơn 5% cư dân vùng nông thôn Cà Mau (tương đương hơn 12.800 hộ) bị thiếu và không chủ động được nguồn nước trong sinh hoạt.

Ðến nay, toàn vùng nông thôn Cà Mau đã được đầu tư 247 công trình cấp nước tập trung nhưng chỉ có 57 công trình (23,07%) hoạt động tốt; 98 công trình (39,68%) hoạt động tương đối tốt; có đến 32 công trình (12,96%) hoạt động kém và 60 công trình (chiếm 24,29%) không hoạt động. Các công trình hoạt động kém hiệu quả và ngừng hoạt động chủ yếu có công suất nhỏ do Ủy ban nhân dân cấp xã và cộng đồng quản lý. Ðây là các khu vực dân cư không tập trung, điều kiện kinh tế khó khăn.

"Ðể người dân có nước sạch sinh hoạt, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và cần có nguồn kinh phí rất lớn. Trong khi đó, nguồn ngân sách địa phương vẫn chưa bảo đảm, rất cần hỗ trợ thêm từ Trung ương", Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Tô Quốc Nam kiến nghị.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã cho biết, năm 2022, tỉnh đã thi công nâng cấp, mở rộng tuyến ống cấp nước với tổng chiều dài 167.359m, phục vụ thêm gần 5.000 hộ dân với sản lượng nước tiêu thụ hơn 22 triệu m3. Hiện, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia từ công trình cấp nước tập trung gần 60%.

Tỉnh Sóc Trăng đang xây dựng Trạm cấp nước xã Tân Hưng, huyện Long Phú với công suất thiết kế 1.200m3, tổng mức đầu tư 8,4 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong quý I/2023. Bốn công trình cấp nước tập trung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cũng đã được đầu tư. Năm 2023, Sóc Trăng phấn đấu đạt 61% số hộ dân nông thôn được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung và 99% được dùng nước hợp vệ sinh.

Vấn đề đáng lo ngại hiện nay ở vùng nông thôn Tây Nam Bộ là tình hình khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm tự phát làm giảm chất lượng nguồn nước. Khai thác nước ngầm quá mức, nhất là những hộ nuôi tôm công nghệ cao sử dụng nước giếng khoan để pha loãng nguồn nước phục vụ quá trình nuôi khi độ mặn lên cao, càng làm cho mạch nước ngầm bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Mặt khác, những hố giếng khoan không còn sử dụng nhưng không được xử lý đúng cách cũng là một trong những nguyên nhân khiến mạch nước ngầm bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước và sức khỏe của người dân. Việc thiếu nước sạch còn do tình trạng nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh ồ ạt khiến các ao nước bị rò rỉ, nhiễm mặn nặng nề...