Hiện nay, có khá nhiều khái niệm về du lịch xanh; tựu trung là: phát triển du lịch có trách nhiệm với tự nhiên; bảo vệ môi trường; bảo tồn văn hóa; duy trì sinh kế của người dân địa phương một cách bền vững. Vì vậy, để phát triển bền vững, ngành du lịch Khánh Hòa tập trung thực hiện nhiều giải pháp xây dựng một ngành du lịch xanh, coi đây là hướng đi tất yếu, không thể khác.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân đánh giá: Sau đại dịch Covid-19, du lịch Khánh Hòa có bước phục hồi mạnh mẽ, làm tiền đề quan trọng cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Tuy nhiên, du lịch Khánh Hòa hiện đang đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển như các vấn đề về khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; quản lý môi trường; nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường; ứng phó với tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu…
Phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Chính phủ xác định: Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc…
Do đó, để phát triển bền vững, du lịch Khánh Hòa tất yếu phải đi theo hướng du lịch xanh. Đây là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm tác động đến môi trường; đóng góp tích cực bảo vệ đa dạng sinh học; sử dụng năng lượng tái tạo; phát huy các di sản thiên nhiên và văn hóa; phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường…
“Tỉnh Khánh Hòa quan niệm phát triển du lịch xanh không chỉ đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên, mà còn mang lại những giá trị mới cho sản phẩm du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời duy trì khả năng khai thác lâu dài, bền vững”, đồng chí Nguyễn Tấn Tuân khẳng định.
Có thể nói, Khánh Hòa có điều kiện rất thuận lợi trong phát triển du lịch xanh, đó là lợi thế vượt trội về tài nguyên du lịch biển với hệ thống biển, đảo, quần đảo, vịnh ven bờ nổi tiếng như Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang có tính đa dạng sinh học cao, nhiều tiềm năng bảo tồn thiên nhiên biển... Tỉnh còn có khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, các cánh rừng nguyên sinh ở Khánh Sơn, Khánh Vĩnh.
Đây là những nền tảng quan trọng trong việc xây dựng sản phẩm du lịch thân thiện, bảo vệ môi trường biển, thích ứng với biến đổi khí hậu; khai thác văn hóa bản địa và cộng đồng địa phương; phát triển sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học biển, đảo và tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng.
Những năm gần đây, du lịch Nha Trang-Khánh Hòa ngày càng chú trọng nhiều hơn đến phát triển hoạt động du lịch xanh, gắn với gìn giữ, phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường, thí dụ như các khu du lịch nghỉ dưỡng Six Senses Ninh Van Bay ở Ninh Vân; Alma, The Anam… ở khu Bãi Dài đang là sự lựa chọn hàng đầu của du khách ưa thích yên tĩnh, hòa mình vào thiên nhiên cây cỏ.
Không chỉ ở những khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, nhiều điểm đến làng quê yên ả, với ruộng lúa bờ tre, người dân có nét sinh hoạt dân dã cũng được nhiều du khách tìm đến.
Hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 1.180 cơ sở lưu trú du lịch, với hơn 64.000 phòng; trong đó, số lượng phòng của khách sạn từ 4 đến 5 sao chiếm đến 40%, gắn với những thương hiệu quản lý khách sạn nổi tiếng trên thế giới như Inter Continental, Accor Hotels&Resorts, Best Western, Radisson, Six Senses…
Những nhà quản lý du lịch có đẳng cấp cao rất chú trọng, thậm chí rất nghiêm ngặt, đến việc xây dựng cảnh quan, tổ chức hoạt động theo hướng thân thiện với môi trường. Đơn cử như Tập đoàn Accor tại Việt Nam từ năm 1994 đã bắt đầu thực hiện những cam kết trên các lĩnh vực xã hội, môi trường và đóng góp cộng đồng.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Thị Lệ Thanh cho biết, điều đáng mừng là hiện nay, Khánh Hòa đã có rất nhiều doanh nghiệp du lịch chủ động phát triển du lịch xanh.
Tuy nhiên, việc tập trung đầu tư, xây dựng phát triển các loại hình du lịch hướng tới mục tiêu xanh và bền vững vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, trước hết là vấn đề nhận thức. Nhiều ngành, địa phương chưa thật sự thấu hiểu, cho nên chưa quyết liệt trong triển khai thực hiện.
Tiếp đến là chưa có chính sách riêng cho phát triển du lịch xanh, chẳng hạn như cho tới nay chưa có chính sách cụ thể khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, chuyển đổi công nghệ, giải pháp để trở thành doanh nghiệp xanh, hoặc điểm đến du lịch xanh.
Ngoài ra, trên thực tế, lâu nay, việc khai thác quá mức tài nguyên du lịch, công tác quản lý, giám sát bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch chưa hiệu quả đã dẫn đến suy thoái, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến phát triển bền vững.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Lệ Thanh, ngành đang đầu tư nâng cấp sản phẩm du lịch biển đảo hiện có; nỗ lực thực hiện chuyển đổi xanh một cách toàn diện trong hoạt động du lịch.
Tỉnh hướng đến phát triển du lịch dựa trên cơ sở tôn trọng, bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị tài nguyên; thực hiện các hoạt động quản lý, kinh doanh và tiêu dùng du lịch xanh; tiêu thụ ít năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo; đồng thời tạo việc làm, cải thiện sinh kế cho người dân, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Nhằm đẩy nhanh tiến trình “xanh hóa” hoạt động du lịch địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Đinh Văn Thiệu chỉ đạo ngành du lịch nghiên cứu tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ định hướng phát triển du lịch xanh, bền vững trên địa bàn tỉnh; đồng thời, kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ban, ngành liên quan hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp lý để hướng dẫn, tăng cường quản lý công tác phát triển du lịch xanh, bền vững.