Thỏa thuận này khẳng định vai trò của thương mại kỹ thuật số trong thúc đẩy tăng trưởng bền vững, Liên minh Cờ xanh đang đẩy mạnh hợp tác với các nước nhằm xóa bỏ rào cản trong lĩnh vực giàu tiềm năng này.
Hiệp định Thương mại kỹ thuật số với Singapore là thỏa thuận đầu tiên của EU trong lĩnh vực này. Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) kiêm Ủy viên Thương mại EU Valdis Dombrovskis khẳng định, hiệp định không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho giới doanh nghiệp và người tiêu dùng, mà còn góp phần quan trọng đưa nền kinh tế EU và Singapore xích lại gần nhau hơn.
EU là đối tác lớn thứ hai của Singapore trong lĩnh vực thương mại dịch vụ. Theo Bộ trưởng phụ trách quan hệ thương mại của Singapore Grace Fu, năm 2022, 55% tổng giá trị trao đổi thương mại dịch vụ giữa hai bên được thực hiện thông qua kỹ thuật số, đạt 43 tỷ euro.
Trên cơ sở nền tảng vững chắc đó, DTA được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế giữa hai bên thông qua việc dỡ bỏ rào cản đối với dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới, tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến, tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới…
DTA với Singapore là bước tiến quan trọng trong nỗ lực thực hiện tham vọng của EU về thống nhất quy tắc thương mại kỹ thuật số với các đối tác toàn cầu.
EU cũng đang triển khai đàm phán DTA với Hàn Quốc, đồng thời đưa các điều khoản về thương mại kỹ thuật số vào hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Anh, Chile và New Zealand, cũng như ký kết thỏa thuận về luồng dữ liệu xuyên biên giới với Nhật Bản.
Giới phân tích nhận định, với những thỏa thuận này, EU đã khẳng định vai trò tiên phong trong việc thiết lập bộ quy tắc tiêu chuẩn cao về thương mại kỹ thuật số giữa các khu vực.
Bên cạnh đó, các DTA cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững EU. Theo EC, năm 2022, 55% tổng giá trị trao đổi thương mại dịch vụ của EU với các đối tác ngoài khối được thực hiện thông qua kỹ thuật số, đạt hơn 1.300 tỷ euro.
Vì vậy, tăng cường quan hệ đối tác trong lĩnh vực này là chìa khóa quan trọng giúp Liên minh Cờ xanh nắm bắt những “cơ hội vàng” để phát triển bền vững, nhất là khi nền kinh tế khu vực đang đối mặt nhiều thách thức.
Thống kê sơ bộ của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, trong hai quý đầu năm 2024, nền kinh tế Khu vực đồng euro (Eurozone) tăng trưởng khiêm tốn, ở mức 0,3%.
Trước đó, trong năm quý liên tiếp, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Eurozone chỉ tăng trưởng chung quanh mức 0%, chủ yếu do lạm phát leo thang kéo theo sức mua giảm mạnh.
Nỗ lực mở rộng mạng lưới DTA của EU cũng là bước đi phù hợp xu thế phát triển của nền kinh tế thế giới hiện nay.
Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala, trong giai đoạn 2005-2022, giá trị thương mại kỹ thuật số tăng trung bình 8,1%/năm, vượt xa tốc độ tăng trưởng của thương mại truyền thống.
Đây là xu hướng phát triển tất yếu, đồng thời là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững. Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định, sự bứt phá của lĩnh vực thương mại kỹ thuật số đã trở thành động lực quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt nhiều “cơn gió ngược”.
Không chỉ giúp EU mở ra những cánh cửa hợp tác kinh tế mới, các DTA đang tạo ra không gian mở, nơi Liên minh Cờ xanh có thể khẳng định vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi số trên toàn cầu.
Những nỗ lực không ngừng nghỉ trong phát triển thương mại kỹ thuật số thời gian qua được kỳ vọng sẽ sớm mang lại “trái ngọt”, góp phần xây dựng một tương lai bền vững và thịnh vượng cho EU.