Khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước

Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là quan điểm chỉ đạo nhất quán xuyên suốt của Ðảng kể từ Ðại hội VIII đến nay. Tuy nhiên, với mưu đồ chính trị đen tối, các thế lực phản động thường xuyên đưa ra những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Thực tế này đòi hỏi cần có sự quán triệt sâu sắc, nhận thức khách quan, đúng đắn ngay từ mỗi người dân về vai trò của kinh tế nhà nước ở Việt Nam, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong các ngành, lĩnh vực trọng yếu, liên quan đến an ninh, quốc phòng. Trong ảnh: Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Ðà Nẵng.
Doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong các ngành, lĩnh vực trọng yếu, liên quan đến an ninh, quốc phòng. Trong ảnh: Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Ðà Nẵng.

Nhiều năm qua, kinh tế nhà nước đã và đang có sự phát triển tốt, ngày càng khẳng định vị thế chủ đạo trong nền kinh tế, đồng thời có những đóng góp tích cực giúp cho "kinh tế vĩ mô ổn định, vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá cao; quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên, chất lượng tăng trưởng được cải thiện" (Ðảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, H. 2021, tr.59). Tuy nhiên, trên một số diễn đàn, mạng xã hội thường xuyên xuất hiện những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước như: "kinh tế nhà nước với hàng loạt doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ chỉ là gánh nặng của nền kinh tế", "phải xóa bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước vì đã là kinh tế thị trường thì mọi thành phần kinh tế đều phải được bình đẳng, tự do cạnh tranh"… Những lập luận này khiến một số người bị thuyết phục nhưng thực chất là những quan điểm phản khoa học, phiến diện, chủ quan cảm tính.

Trước hết, cần khẳng định kinh tế nhà nước không đồng nhất với doanh nghiệp nhà nước. Kinh tế nhà nước là thành phần kinh tế (bao gồm các yếu tố thuộc sở hữu nhà nước và các yếu tố thuộc sở hữu toàn dân mà nhà nước được giao quyền đại diện chủ sở hữu) do nhà nước tổ chức, quản lý, điều hành. Ngoài doanh nghiệp nhà nước, kinh tế nhà nước còn có các yếu tố khác thuộc sở hữu nhà nước như tài nguyên quốc gia, ngân hàng nhà nước, ngân sách, quỹ dự trữ quốc gia,...

Không thể lấy dẫn chứng về hạn chế của một số doanh nghiệp nhà nước để quy chụp thành yếu kém của cả thành phần kinh tế nhà nước.

Vì vậy, không thể lấy dẫn chứng về hạn chế của một số doanh nghiệp nhà nước để quy chụp thành yếu kém của cả thành phần kinh tế nhà nước. Hơn nữa, thực tế cho thấy, mặc dù chúng ta thừa nhận vẫn còn nhiều doanh nghiệp nhà nước "chậm thực hiện cơ cấu lại và đổi mới cơ chế quản trị"; "hiệu quả sản xuất, kinh doanh còn thấp; tình trạng nợ, thua lỗ, lãng phí còn lớn" (sđd, tr.81), một số doanh nghiệp buông lỏng quản lý để xảy ra tham nhũng, hay đầu tư không hiệu quả dẫn đến thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng, song theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, có tới 15/16 tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước được kiểm toán năm 2020 sản xuất, kinh doanh có lãi; tỷ suất lợi nhuận tại một số đơn vị đạt tương đối cao.

Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư tại Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020 cũng chỉ rõ: hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước đạt tỷ lệ khá cao (78,5% có lãi, 2,2% hòa vốn và 19,3% thua lỗ) so với doanh nghiệp ngoài nhà nước (43,7% có lãi, 7,7% hòa vốn và 48,6% thua lỗ). Dù chỉ chiếm 0,4% trong tổng số doanh nghiệp cả nước nhưng doanh nghiệp nhà nước đã huy động được 9,65 triệu tỷ đồng vốn cho sản xuất, kinh doanh, với doanh thu thuần cao nhất là 13,41 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 323,64 nghìn tỷ đồng, trong khi doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm tới 96,9% tổng số doanh nghiệp cả nước nhưng chỉ thu hút được 22,25 triệu tỷ đồng vốn, doanh thu đạt 3,41 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 190,36 nghìn tỷ đồng. Năm 2021, tổng doanh thu của khối doanh nghiệp nhà nước vượt 43,3% kế hoạch, tăng 7,8% so với năm 2020; lợi nhuận trước thuế vượt kế hoạch 41,7%, tăng 22,5% so với năm 2020, nộp ngân sách chiếm 17-23% tổng thu ngân sách nhà nước.

Thứ hai, việc xác định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước không chỉ là sự định hướng phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm thực hiện các mục tiêu của tiến trình phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, mà còn cho thấy sự khác biệt lớn của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Ðó là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng-an ninh. Kinh tế nhà nước chính là "công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường" (sđd, tr.129), bảo đảm cho nền kinh tế thị trường Việt Nam phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế nhà nước trực tiếp phụ trách những lĩnh vực trọng yếu liên quan đến an ninh chủ quyền quốc gia, quân sự quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội, tài nguyên quốc gia, hay đầu tư ở những ngành, lĩnh vực, địa bàn mà doanh nghiệp tư nhân không thể hoặc không muốn làm nhưng cần thiết cho tiến trình phát triển kinh tế của đất nước theo mục tiêu đã định, vì lợi ích đông đảo tầng lớp nhân dân như xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt, cung ứng dịch vụ công ích, đầu tư vào những ngành có vốn đầu tư lớn, ở địa bàn khó khăn, nhiều rủi ro, khó thu được lợi nhuận cao...

Kinh tế nhà nước giúp tạo điều kiện cho khu vực kinh tế ngoài nhà nước phát triển (như hỗ trợ, ưu đãi về vốn, hỗ trợ về hạ tầng cơ sở, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ,…); giảm thiểu, khắc phục được những khuyết tật của cơ chế thị trường; bảo vệ, hỗ trợ nhóm yếu thế, dễ gặp rủi ro,... Ðặc biệt, kinh tế nhà nước chính là bộ phận quan trọng để định hướng sự phát triển của các thành phần kinh tế theo mục tiêu xã hội chủ nghĩa tiến bộ, công bằng, văn minh, không để các doanh nghiệp ngoài nhà nước tự do theo đuổi lợi nhuận bằng mọi giá, vì lợi ích tư nhân mà bất chấp lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng,...

Không thể chỉ dựa vào việc một số doanh nghiệp tư nhân kinh doanh hiệu quả để kết luận rằng kinh tế tư nhân mới xứng là chủ đạo.

Thứ ba, không thể chỉ dựa vào việc một số doanh nghiệp tư nhân kinh doanh hiệu quả để kết luận rằng kinh tế tư nhân mới xứng là chủ đạo. Bởi lẽ, mặc dù Ðảng ta xác định "kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế", đồng thời thừa nhận, những năm qua, khu vực kinh tế này có "đóng góp ngày càng lớn và trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước" (sđd, tr.210), tuy nhiên, thực tế cho thấy, "Phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp, năng lực tài chính và quản trị yếu" (sđd, tr.81), cơ cấu ngành nghề chưa thật sự hợp lý, chủ yếu mới tập trung ở lĩnh vực dịch vụ thương mại nhỏ lẻ, quy mô siêu nhỏ và nhỏ chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp, năng suất còn thấp, chỉ bằng khoảng 34% năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp nhà nước và khoảng 69% của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, năng lực khoa học công nghệ còn hạn chế…

Với nguồn lực giới hạn, kinh tế tư nhân cũng không thể hoặc không muốn đầu tư vào những ngành đòi hỏi nguồn vốn lớn, mức độ rủi ro cao, địa bàn khó khăn, hay những ngành nghề ít lợi nhuận, phục vụ cộng đồng, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan đến an ninh, quốc phòng, tài nguyên quốc gia,...

Thứ tư, cho rằng để cho kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo là "ưu ái đối với kinh tế nhà nước", "phân biệt đối xử bất công với các doanh nghiệp khác", "cạnh tranh không lành mạnh",... là sự xuyên tạc vô căn cứ. Bởi lẽ, quan điểm nhất quán của Ðảng là: "các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật", doanh nghiệp nhà nước cũng phải "cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế" (sđd, tr.129). Nhà nước luôn coi trọng "tạo môi trường thuận lợi, công khai, minh bạch cho các doanh nghiệp", bảo đảm "thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế" (sđd, tr.131, 203).

Mỗi thành phần kinh tế dù có vai trò, vị trí không giống nhau song đều có đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, góp phần đem lại những thành tựu phát triển đáng mừng, nâng cao tầm vóc, vị thế và uy tín nước ta trên trường quốc tế. Dù xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo song không hề có sự phân biệt đối xử với các thành phần kinh tế khác, ngược lại còn coi "kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng", "Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận quan trọng của kinh tế quốc dân" (sđd, tr.129-130), đồng thời nỗ lực chỉ đạo không ngừng củng cố, phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, khuyến khích phát triển kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.

Kinh tế nhà nước cần được đổi mới, sắp xếp, cơ cấu lại cho đúng chức năng, nhiệm vụ đầu tàu, dẫn dắt, định hướng; đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, xử lý dứt điểm những hạn chế, yếu kém trong công tác tổ chức, quản lý, điều hành của một số doanh nghiệp nhà nước đang tạo lỗ hổng cho tham nhũng, chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài...

Từ những phân tích trên đây có thể thấy rằng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, việc xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo là đúng đắn, phù hợp với điều kiện của nước ta và là tiêu chí quan trọng bảo đảm tính định hướng XHCN cho nền kinh tế. Tuy nhiên, trước thực trạng vẫn còn tồn tại những hạn chế, yếu kém của thành phần kinh tế này, để bảo đảm vai trò chủ đạo đó, kinh tế nhà nước cần được đổi mới, sắp xếp, cơ cấu lại cho đúng chức năng, nhiệm vụ đầu tàu, dẫn dắt, định hướng; đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, xử lý dứt điểm những hạn chế, yếu kém trong công tác tổ chức, quản lý, điều hành của một số doanh nghiệp nhà nước đang tạo lỗ hổng cho tham nhũng, chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, phẩm chất, uy tín, trách nhiệm ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn ■