Khẩn trương kiểm tra, khắc phục tình trạng cua chết tại Cà Mau

NDO - Tình trạng cua nuôi bị chết tại Cà Mau tái diễn liên tục trong khoảng 3 năm gần đây và có cùng nguyên nhân do ký sinh trùng. Thời gian cua chết thường từ cận Tết đến khoảng 2 tháng sau Tết Nguyên đán, gây thiệt hại không nhỏ cho nông dân địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Cà Mau hiện có diện tích và sản lượng cua nuôi lớn nhất nước ta.
Cà Mau hiện có diện tích và sản lượng cua nuôi lớn nhất nước ta.

Chiều 27/3, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau cho biết, cơ quan này vừa có văn bản “hỏa tốc” chỉ đạo kiểm tra, khắc phục tình trạng cua nuôi bị chết trên địa bàn tỉnh.

Khẩn trương kiểm tra, khắc phục tình trạng cua chết tại Cà Mau ảnh 1

Chính quyền và ngành chức năng huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau xuống kiểm tra cua nuôi trong vuông tôm của hộ dân xã Đất Mới.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu, chính quyền các địa phương trong tỉnh cùng các đơn vị chức năng có liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát, xác định nguyên nhân dẫn đến cua nuôi bị chết, nhất là tại huyện Đầm Dơi và Năm Căn.

Cùng với đó, các cơ quan liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi để người dân biết, chủ động thực hiện, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất; cần rà soát, triển khai thực hiện hồ sơ, thủ tục hỗ trợ khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh đúng quy định (nếu đủ điều kiện).

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu các địa phương trong tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn và chính quyền cấp xã thường xuyên kiểm tra, giám sát địa bàn quản lý. Từ đó, khuyến cáo, hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản, trong đó có cua nuôi để hạn chế thiệt hại.

Theo số liệu từ ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau, ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm cho hơn 1.900ha cua nuôi trên địa bàn vùng mặn của tỉnh bị thiệt hại, ảnh hưởng thu nhập của hơn 500 hộ dân.

Cua nuôi bị chết tập trung nhiều trên địa bàn huyện Đầm Dơi (hơn 1.200ha) và huyện Năm Căn (hơn 600ha)… Cua bị chết có biểu hiện bị đen mang, màu nhợt, bọng thịt, cơ thịt nhão có màu hồng, có nhiều giáp xác trong thân cua. Trước khi chết vài ngày, cua nuôi có biểu hiện yếu, ít bắt mồi.

Ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã lấy mẫu cua nuôi bị chết và gửi đi phân tích, kết quả cho thấy cua chết có ký sinh Zothamium spp, giáp xác chân đều, ký sinh trùng… Kết quả này cũng trùng khớp với những lần kiểm tra cua nuôi bị chết tại những năm liền kề trước đó nhưng việc xử lý mầm bệnh chưa có giải pháp đặc trị hữu hiệu.

Trước mắt, ngành chức năng tỉnh Cà Mau khuyến cáo nông hộ nuôi cua thu hoạch ngay số cua còn lại trong vuông tôm để hạn chế thiệt hại, đồng thời thu gom toàn bộ cua chết để chôn lấp, xử lý bằng vôi nóng để cắt mầm bệnh lây lan.

Khuyến cáo người dân tuyệt đối không được vứt cua chết ra sông, rạch dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh; không nên thả thêm con giống vào thời điểm hiện nay…

Khẩn trương kiểm tra, khắc phục tình trạng cua chết tại Cà Mau ảnh 2

Cua Cà Mau chủ yếu được nuôi tự nhiên trong vuông thủy sản kết hợp, đã được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý và bảo hộ với hình thức nhãn hiệu tập thể.

Cua Cà Mau lọt vào top 100 món ăn đặc sản Việt Nam. Đến nay, diện tích nuôi cua ở Cà Mau đã phát triển lên hơn 250.000ha, năng suất bình quân 100 kg/ha/năm, sản lượng ước tính khoảng 25.000 tấn/năm, tổng giá trị sản lượng bình quân mỗi năm hơn 10.000 tỷ đồng.

Phần lớn diện tích nuôi cua tại Cà Mau theo hình thức tự nhiên trong vuông nuôi thủy sản kết hợp. Trong đó, diện tích nuôi cua kết hợp với tôm trong vùng rừng ngập nước được chứng nhận sinh thái, hữu cơ và các chứng nhận khác gần 20.000ha (có 9 loại chứng nhận), sản lượng đạt khoảng 2.000 tấn/năm.

Cua Cà Mau còn được xác định là ngành hàng chủ lực tại địa phương, vị thế chỉ đứng sau con tôm. Cua Cà Mau đã được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý và bảo hộ với hình thức nhãn hiệu tập thể.