Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) chịu thiệt hại rất nặng nề do bão, nhất là ở các phường trung tâm. Sau bão, TP Hạ Long tan hoang với hình ảnh cây cối, biển báo giao thông đổ rạp, những trường học, mái nhà tốc mái, đổ sập. Các cấp chính quyền thành phố cùng lực lượng vũ trang, lực lượng của ngành than lập tức bắt tay giúp người dân khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống.
Theo thống kê nhanh đến sáng 8/9, thành phố Hạ Long có 76 tàu thuyền chìm và 30 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hại; hơn 550 nhà xưởng bị ảnh hưởng nặng nề; hơn 10.000 nhà ở, công trình của người dân, hơn 700 trụ sở chính quyền, cơ quan, đơn vị, bệnh viện; 73 trường học bị thiệt hại; hàng chục nghìn cây xanh bị gãy đổ...
Anh Trịnh Hồng Nguyên, phường Hồng Hà cho biết: “Tôi sống ở đây hơn mấy chục năm rồi nhưng chưa bao giờ thấy một cơn bão mạnh, khủng khiếp như vậy. Bão vào, cả khu phố mất điện, mất mạng, cây xanh đổ ngổn ngang, nhà cửa bị tốc mái, kính bị gió làm vỡ. Nhiều người dân lo lắng, không dám ngủ. Bão qua, sáng nay, các lực lượng quân đội, công an đã giúp chúng tôi khắc phục hậu quả, dọn dẹp vệ sinh môi trường”.
Thành phố Hạ Long cũng kiện toàn hoạt động các đội xung kích phòng chống thiên tai, thành lập các đội tình nguyện khắc phục hậu quả mưa bão. Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Quyết Tiến cho biết, thành phố thành lập tám tổ công tác hỗ trợ các địa phương trọng yếu, hỗ trợ người dân thu dọn, xử lý, khắc phục cây cối gãy đổ, công trình bị hư hại, bảo đảm giao thông thông suốt, tạo điều kiện lãnh đạo, chỉ đạo việc khắc phục hậu quả bão nhanh chóng nhất.
Tính đến trưa ngày 8/9, trên địa bàn Quảng Ninh còn gần 750 vị trí bị gián đoạn thông tin trên tổng số 1.320 vị trí. Trong đó, có hơn 600 vị trí gián đoạn do gãy đổ cột sóng, trạm phát, đứt đường dây; hơn 120 vị trí gián đoạn do mất điện. Để hỗ trợ Quảng Ninh khắc phục hậu quả, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội chi viện cho Viettel Quảng Ninh hơn 500 cán bộ, kỹ thuật viên và nhiều trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật.
Đại tá Đào Xuân Vũ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết: Chúng tôi nỗ lực hết sức để nhanh chóng khôi phục thông tin liên lạc và hệ thống mạng cho khu vực nội thị Hạ Long trong tối 8/9. Riêng các khu vực khác, Viettel sẽ khắc phục sự cố trong tối đa bốn ngày tới.
Được đánh giá là cơn bão mạnh nhất từ hơn 10 năm qua, bão số 3 đã gây thiệt hại lớn đến các tàu, thuyền trên vùng biển tỉnh Quảng Ninh với rất nhiều tàu bị đắm, bè nuôi trồng thủy sản bị trôi dạt. Hiện nay, các lực lượng chức năng đang chạy đua với thời gian để nhanh chóng cứu hộ những người dân gặp nạn trên biển.
Có mặt kiểm tra và chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển trong sáng 8/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nghiêm Xuân Cường yêu cầu các ngành, lực lượng tiếp tục vận hành các cơ chế lãnh đạo, chỉ huy, phối hợp nhịp nhàng để tiến hành cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm ở mức tốt nhất về tính mạng, sức khỏe cho nhân dân.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh, tính đến thời điểm này đã có ba người chết, 157 người bị thương; 2.083 nhà bị tốc mái; 254 cột điện, 70% cây xanh tại các địa phương bị gãy đổ; có hơn 1.000 ô lồng, bè nuôi hàu bị mất, cuốn trôi; gần 400 ha lúa bị đổ, ngập úng. Nhiều nhà cao tầng, trụ sở cơ quan, trường học tại các địa phương bị hư hỏng...
Ngay trong chiều 8/9, UBND tỉnh Quảng Ninh có Công điện chỉ đạo tập trung khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra; theo đó, thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị, bí thư cấp ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị, doanh nghiệp khẩn trương chỉ đạo khắc phục sự cố do bão, nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh và ổn định cuộc sống của người dân...
Bão số 3 với cường độ rất mạnh đã tàn phá đường phố Hải Phòng với mức độ khủng khiếp. Cây gãy đổ la liệt làm ách tắc các tuyến đường giao thông, kéo đổ hệ thống đường dây cấp điện, cáp viễn thông bị đứt.
Toàn thành phố mất điện, liên lạc bị gián đoạn, nhiều khu vực không thể liên lạc được. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Anh Quân, thống kê sơ bộ, trên địa bàn Hải Phòng có hai người chết tại nhà do bão; 40 người bị thương đã được đưa đến các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố chữa trị; hơn 500 ngôi nhà của người dân bị tốc mái, hư hỏng; gần 240 trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc bị hư hỏng; gần 17.000 ha lúa, hoa màu bị hư hại, 1.200 cây ăn quả bị ảnh hưởng nặng; hơn 6.000 cây xanh bị gãy đổ; ba trạm BTS bị đổ, 2.000 trạm BTS bị mất liên lạc, cáp quang ra đảo Cát Bà bị đứt... Đáng chú ý, hệ thống điện bị hư hỏng nặng nề với ba trạm biến áp, 367 cột điện bị hư hỏng đã gây mất điện diện rộng...
Ngay sáng sớm 8/9, lãnh đạo thành phố Hải Phòng họp khẩn với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan để triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả bão số 3. Tại cuộc họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm, khẩn trương khắc phục hệ thống truyền tải điện và giao thông, xử lý các cây bị gãy đổ, các sự cố về điện trong ngày 8/9, hoàn thành ngày 9/9.
Lãnh đạo thành phố yêu cầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố cùng các ngành, đơn vị, đoàn thể huy động mọi nguồn lực hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, gặp khó khăn sau bão, nhất là các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau...
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng Phạm Văn Tuấn, các đơn vị viễn thông đang khẩn trương khắc phục sự cố tại các trạm thu phát sóng BTS và đến chiều 8/9, 80% mạng thông tin liên lạc đã được khôi phục...
Ngay tối 7/9, siêu bão quét qua thành phố Hà Nội với sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 làm nhiều cây xanh, cột điện gãy đổ; mái tôn, biển quảng cáo... bị cuốn bay khắp nơi. Lực lượng chức năng làm xuyên đêm để thu dọn, nhưng do số cây gãy đổ quá nhiều, đến sáng 8/9, đường phố Hà Nội vẫn ngổn ngang, giao thông ùn tắc nghiêm trọng. Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, hết ngày 8/9, hệ thống giao thông cơ bản được khôi phục.
Bão đi qua, trên khắp các tuyến phố, khu đô thị, cây xanh bị gãy đổ la liệt, với gần 17.000 cây xanh, một số quận, huyện bị mất điện. Hơn 270 nhà dân và công trình bị tốc mái, bốn nhà mái tôn bị sập, gần 1.000m tường bao bị đổ, 19 công trình nhà ở và nhiều ô-tô, xe máy bị hư hỏng...
Tại khu vực ngoại thành, mưa lớn làm nhiều diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả bị ngập. Đáng tiếc đã có một người chết, 11 người bị thương do bão; hai người chết do mưa dông trước bão... Mặc dù siêu bão quét qua Hà Nội với cường độ gió mạnh nhất trong khoảng 30 năm qua, nhưng nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và đồng lòng, chung sức của người dân, các thiệt hại do siêu bão được giảm thiểu.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, nhờ đánh giá đúng tính chất, mức độ của cơn bão, Thành ủy, UBND đã có chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho từng đơn vị, địa phương, nhất là công tác ứng phó siêu bão được chuẩn bị chu đáo, với các phương án kỹ lưỡng.
Đồng thời các địa phương đã kịp thời thực hiện biện pháp cấp bách là di dời người dân ra khỏi nhà nguy hiểm, nhà yếu, nơi có nguy cơ đổ sập; đồng thời bố trí nơi tránh trú an toàn và các nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ người dân tại nơi tránh trú; bảo đảm an ninh an toàn… Đặc biệt, Hà Nội đã sử dụng hệ thống công nghệ thông tin, mạng xã hội khuyến cáo người dân không ra đường trong lúc mưa bão, góp phần giảm thiệt hại về người.