Đến giữa tháng 3/2024, Dự án thành phần đường bộ cao tốc bắc- nam đoạn Vạn Ninh-Cam Lộ qua tỉnh Quảng Trị đã chi trả bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng 85,94%; trong đó, bàn giao mặt bằng sạch đủ điều kiện thi công cho Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh 75,9%.
Nhiều vướng mắc
Đại diện Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh phụ trách đoạn qua Quảng Trị cho biết, các đơn vị đã thi công 100% mặt bằng được bàn giao, sản lượng công việc đạt gần 30% giá trị hợp đồng. Tận dụng thời tiết thuận lợi, hơn 60 mũi thi công ba ca, bốn kíp đang tăng tốc.
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Trị Trần Ngọc Sơn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc đường bộ Vạn Ninh-Cam Lộ, để phục vụ dự án trọng điểm này, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng chín khu tái định cư với diện tích hơn 37 ha bố trí chỗ ở mới cho 351 hộ bị ảnh hưởng. Hiện, ba khu tái định cư ở huyện Vĩnh Linh đã cơ bản hoàn thành hạ tầng, hoàn thành công tác bốc thăm, trong tháng 3/2024 di dân ra tạm cư. Huyện Gio Linh có ba khu tái định cư, đã bốc thăm để di dân ra tạm cư tại hai khu ở xã Hải Thái và Gio An, riêng khu còn lại ở xã Linh Trường, một số người dân chưa đồng thuận về phương án đền bù, hỗ trợ. Huyện Cam Lộ đã hoàn thành công tác bốc thăm cả ba khu tái định cư để di dân ra tạm cư. Trong thời gian tạm cư chờ xây dựng nhà ở trong các khu tái định cư, mỗi hộ được tỉnh Quảng Trị hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng.
Như vậy, dự án đoạn qua Quảng Trị hiện còn 4,25 km chưa hoàn thành chi trả bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng sạch, do liên quan các hộ dân vào khu tái định cư.
Tại địa bàn huyện Vĩnh Linh, Công ty cổ phần Lâm sản Quảng Trị ở thôn Rào Trường, xã Vĩnh Hà thuộc diện phải di dời để thực hiện dự án. Tuy nhiên vụ việc đến nay đang vướng do chưa hoàn thành thủ tục giao đất cho công ty; chưa thống nhất được đơn giá bồi thường, hỗ trợ, dẫn đến công ty chưa bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Trong lúc chưa giải quyết xong vướng mắc này, tại Công ty cổ phần Lâm sản Quảng Trị phát sinh tình tiết phức tạp thêm.
Đó là Công ty TNHH MTV Thương mại và dịch vụ Cường Thịnh xây dựng xưởng sản xuất trên phần diện tích đất của Công ty cổ phần Lâm sản Quảng Trị. Công ty Cường Thịnh yêu cầu bồi thường, hỗ trợ phần tài sản xây trên đất này. Để có cơ sở bồi thường, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Vĩnh Linh yêu cầu Công ty Cường Thịnh cung cấp hồ sơ liên doanh, liên kết giữa hai công ty trong việc xây dựng xưởng sản xuất phục vụ kinh doanh nhưng chưa nhận được hồ sơ nên chưa có cơ sở để bồi thường, hỗ trợ Công ty Cường Thịnh.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Linh Nguyễn Anh Tuấn, việc này vượt thẩm quyền của huyện, vì vậy huyện báo cáo, xin ý kiến của tỉnh.
Tại địa bàn huyện Gio Linh, khó khăn lớn nhất về việc bồi thường, hỗ trợ đang diễn ra tại các hộ dân ở thôn Bến Hà, xã Linh Trường do xây nhà chưa phù hợp quy định. Chính quyền xã Linh Trường và Ủy ban nhân dân huyện Gio Linh thừa nhận, sai sót này của các hộ dân do lịch sử để lại. Để sớm có sự đồng thuận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gio Linh Võ Đắc Hóa đề nghị tỉnh xem xét hỗ trợ với phương án hợp lý nhằm giảm bớt thiệt thòi cho người dân.
Phải bàn giao mặt bằng đúng thời hạn
Cùng với vướng mắc về bồi thường, hỗ trợ, các khu tái định cư cũng đang chậm trễ. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, Tổ công tác của Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng tỉnh đã nhiều lần tổ chức kiểm tra, chỉ đạo, đốc thúc công tác giải phóng mặt bằng.
Năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã nhiều lần đốc thúc các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ khẩn trương hoàn thành xây dựng các khu tái định cư, song các địa phương chưa thực hiện được. Đầu năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị lại yêu cầu các huyện này đôn đốc nhà thầu xây dựng các khu tái định cư đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành trước ngày 20/1 nhưng vẫn không đạt. Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị lại tiếp tục yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành các khu tái định cư vào ngày 31/3/2024.
Những ngày này, cùng với việc tìm các phương án phù hợp để bồi thường, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dự án khỏi thiệt thòi và đúng pháp luật, chính quyền các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ đang tích cực chỉ đạo các nhà thầu tập trung toàn bộ máy móc, nhân công, vật lực để xây dựng các hạng mục còn lại của các khu tái định cư; tuyên truyền, vận động người dân ra tạm cư để bàn giao mặt bằng.
Là địa phương có chiều dài tuyến đường đi qua chiếm gần 50% trong tổng số chiều dài tuyến cao tốc đường bộ Vạn Ninh-Cam Lộ đi qua tỉnh Quảng Trị, huyện Vĩnh Linh thành lập tổ giải phóng mặt bằng tám người làm việc cả thứ bảy, chủ nhật để kịp tiến độ.
Trước tình hình khẩn trương, tỉnh Quảng Trị liên tục tổ chức họp tháo gỡ vướng mắc. Đồng chí Lê Thị Lan Hương, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị, Tổ trưởng Tổ giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Vạn Ninh-Cam Lộ cho biết, thời gian qua, toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh đều vào cuộc. Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít vướng mắc, các huyện cần quyết liệt đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ, xây dựng nhanh khu tái định cư, bàn giao mặt bằng. Bài học chính cho sự thành công về giải phóng mặt bằng là sự vào cuộc đồng bộ, tăng cường vận động, chăm lo tái định cư cho người dân và đền bù mức hợp lý.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng chỉ đạo, thời gian còn lại không nhiều, vì vậy các địa phương cần có giải pháp phù hợp nhất, tập trung cao độ để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao phục vụ thi công dự án trước ngày 31/3 đúng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương khẩn trương hoàn thành chín khu tái định cư, kịp thời cung cấp điện, nước và mặt bằng để người dân xây dựng nhà ở. Đối với Công ty cổ phần Lâm sản Quảng Trị, huyện Vĩnh Linh phối hợp các sở, ngành xem lại căn cứ pháp lý sử dụng đất của công ty và kiểm tra hồ sơ liên doanh, liên kết giữa Công ty Cường Thịnh với Công ty cổ phần Lâm sản Quảng Trị. Nếu không đủ hồ sơ thì phải tháo dỡ ngay công trình, nhà máy để phục vụ thi công.