Công an tỉnh Hà Tây vừa khám phá đường dây buôn lậu xe ô-tô du lịch và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại thị xã Hà Ðông (Hà Tây).
Các đối tượng đã mua xe ô-tô không có giấy tờ hợp pháp tại Cam-pu-chia, sau đó nhập lậu qua biên giới về Việt Nam rồi thuê làm giả giấy tờ và tráo đổi sắt si (có số khung) của một chiếc ô-tô cũ cùng loại đã được đăng ký, vào vị trí của xe ô-tô nhập lậu, rồi bán kiếm lời.
Qua kiểm tra thủ tục giấy tờ đăng ký xe ô-tô tại Công an tỉnh Hà Tây, phát hiện hồ sơ một số xe có biểu hiện nghi giả, sửa chữa tẩy xóa, Phòng CSÐT tội phạm về kinh tế Công an tỉnh Hà Tây đã tạm giữ phương tiện và hồ sơ để tiến hành xác minh làm rõ và khởi tố hai vụ án giả mạo giấy tờ, tài liệu cơ quan tổ chức và buôn lậu; khởi tố bốn đối tượng, truy nã một đối tượng. Từ đây, đường đi của những chiếc xe nhập lậu đã bị lộ diện với các khâu được chuyên môn hóa cao như nhóm buôn lậu, nhóm chuyên làm giả hồ sơ và nhóm tiêu thụ.
Thông qua môi giới của Lê Văn Hiển, một đối tượng có quan hệ rộng với nhiều đối tượng buôn lậu ô-tô tại Cam-pu-chia, Trần Quốc Việt và Nguyễn Xuân Hào mua ô-tô nhập lậu về Việt Nam. Sau khi lựa chọn, đồng ý mua xe ô-tô Toyota Camry mầu trắng, số khung SXV 20-0059397 của một người Cam-pu-chia theo giá thỏa thuận là 10.500 USD, Hiển đã đem trót lọt chiếc xe này giao cho Việt, Hào đi tiêu thụ. Vì là xe không có giấy tờ, nên để hợp pháp hóa, hai tên đã nhờ Nguyễn Trung Tuấn làm giả hồ sơ ô-tô theo dạng hồ sơ xe thanh lý, với giá trung bình là 1.500 USD. Có hai hình thức làm giả: làm giả bằng cách tẩy xóa, sửa chữa hồ sơ từ giấy thanh lý xe máy thành giấy thanh lý xe ô-tô, còn nếu không làm được, chúng chế bản, làm giả ngay từ đầu bằng những thủ đoạn rất tinh vi. Sau khi bàn giao giấy tờ giả nói trên, Tuấn đã nhận được 1.200 USD tiền công.
Một trong những quái chiêu khác của các đối tượng để tiêu thụ trót lọt xe nhập lậu là mua xe ô-tô cũ nát cùng đời với xe nhập lậu, sau đó cắt sắt si số khung của xe cũ nát thay thế vào sắt si xe nhập lậu để tiêu thụ. So với làm giả giấy tờ, cách làm này tuy chi phí tốn kém hơn, nhưng ngược lại không phải chi phí thuế trước bạ, làm thủ tục đăng ký và yên tâm không bị phát hiện. Do vậy, Lê Văn Hiển đã áp dụng chiêu bài này.
Sau khi mua một chiếc xe ô-tô du lịch bốn chỗ ngồi nhãn hiệu Corolla Altis mầu đen, không giấy tờ tại Cam-pu-chia vận chuyển trái phép về Việt Nam, Hiển đã thuê Lê Minh Khánh, chủ ga-ra sửa chữa xe ô-tô ở 289 Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh sửa chữa, tân trang với giá một triệu đồng. Khánh đã thay thế cắt đoạn sắt si có số khung NZE 120-7000140 của một chiếc xe ô-tô BKS 29S-0283, vật chứng trong vụ án giết người, cướp tài sản xảy ra tại Bắc Giang năm 2002, sau đó hàn vào phần sắt si đã cắt tương ứng của chiếc xe ô-tô Corolla Altis. Khánh đã từng thay thế sắt si có số khung tám chiếc xe ô-tô khác và bị công an TP Hồ Chí Minh khởi tố về tội buôn lậu.
Với hồ sơ thanh lý được làm giả hết sức tinh vi, mắt thường không thể nhìn thấy được, nên nhiều xe nhập lậu đã được tiêu thụ trót lọt. Khi bán xe, các đối tượng đều "tiếp thị" đó là xe có đầy đủ giấy tờ hợp lệ và đều có thể đăng ký. Nguyễn Xuân Hào và Trần Quốc Việt đã bán một xe giá 180 triệu đồng; một xe giá 200 triệu đồng, và môi giới bán cho Lê Văn Hiển chiếc xe ô-tô du lịch bốn chỗ ngồi nhãn hiệu Corolla Altis giá 26.000 USD. Tuy nhiên, trong các phi vụ này, khách hàng chỉ trả một phần tiền nên các đối tượng phải đợi khách đi đăng ký xong mới thanh toán toàn bộ. Những khách hàng mang hồ sơ không đăng ký được đã kịp trả xe và lấy lại tiền, như trường hợp anh Nguyễn Viết Cường ở xã Yên Thọ, huyện Ðông Triều, Quảng Ninh; còn lại nhiều trường hợp khác, do không biết là xe nhập lậu, chỉ khi đi đăng ký mới phát hiện ra, thì người mua xe đã phải ngậm đắng nuốt cay vì "tiền mất, tật mang".
Cũng thông qua kiểm tra, giám định hồ sơ đăng ký xe ô-tô TOYOTA Camry mầu xanh, có số máy 5S- 7097545, số khung YU 969990, kèm theo BKS 33H- 9677 cho Ðặng Tuấn Anh, ở xã Vạn Thái, huyện Úng Hòa, tỉnh Hà Tây, Phòng CSGT Hà Tây đã phát hiện một đường dây nhập lậu ô-tô tương tự do Nguyễn Văn Thanh ở thị trấn Ðam-ri, huyện Ðạ Huoai, tỉnh Lâm Ðồng cầm đầu. Do phát hiện hồ sơ bán đấu giá xe ô-tô của UBND tỉnh Bình Phước là hồ sơ giả, nên chiếc xe ô-tô đã bị tạm giữ.
Từ ngày 1-5, chính sách nhập xe cũ được thực thi, đòi hỏi lực lượng chức năng phải có biện pháp kịp thời ngăn chặn thủ đoạn giả mạo, lừa đảo của các đối tượng nêu trên.