Khai thác tiềm năng, lợi thế từ nông nghiệp, nông thôn

Với tài nguyên nông nghiệp phong phú và hơn 65% số dân sống ở nông thôn, phát triển du lịch nông thôn được xác định là "con gà đẻ trứng vàng" của ngành công nghiệp không khói Việt Nam. Đây là hướng đi phù hợp giúp đáp ứng nhu cầu cao của du khách sau đại dịch Covid-19, cũng là xu thế tất yếu bảo đảm sự phát triển bền vững của du lịch gắn liền phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, nông thôn.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách tham quan trong tua du lịch đồng cừu Ninh Thuận.
Du khách tham quan trong tua du lịch đồng cừu Ninh Thuận.

Bên cạnh hệ thống tài nguyên tự nhiên phong phú như rừng, núi, ao, hồ, sông, suối…, nông thôn Việt Nam còn sở hữu nguồn tài nguyên nhân văn giàu có với các sản phẩm làng nghề, những nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc cộng đồng. Đây chính là kho báu dồi dào để hình thành những điểm đến hấp dẫn, sản phẩm đặc trưng thu hút khách du lịch.

Dư địa lớn để phát triển

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa ngày càng diễn ra nhanh, mạnh, thì nhu cầu được tìm về những vùng quê bình dị để tận hưởng cảnh quan tươi đẹp, không khí trong lành càng cao. Sau đại dịch, cùng với sự lên ngôi của du lịch nghỉ dưỡng và du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch nông thôn càng trở thành lựa chọn phổ biến của du khách, nhất là khách du lịch sống ở các vùng đô thị. Vì thế, phát triển du lịch nông thôn được nhận định là mảnh đất màu mỡ mang đến nhiều triển vọng bứt phá cho du lịch Việt Nam. Đây không chỉ là giải pháp góp phần đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng không gian du lịch để mời gọi du khách trong và ngoài nước mà còn là đòn bẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị. Ngoài khả năng duy trì nghề truyền thống, bảo tồn và phát huy các giá trị cảnh quan sinh thái, văn hóa địa phương, đẩy mạnh du lịch nông thôn còn giúp cải thiện khoảng cách về thu nhập, thụ hưởng giữa người dân nông thôn và đô thị, thu hút đầu tư trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Nhận diện được những lợi ích kép, thời gian qua, tại nhiều địa phương đã xuất hiện những điểm đến, mô hình, sản phẩm du lịch nông thôn thúc đẩy kết nối tua, tuyến với các loại hình chủ đạo như: du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng… Tiêu biểu có thể kể đến những tua chiêm ngưỡng mùa lúa chín ở vùng núi phía bắc; du lịch trang trại ở những đồi chè Thái Nguyên, vườn cà-phê Đắk Lắk; tham quan đồng cừu, vườn nho Ninh Thuận; hay trải nghiệm "Một ngày làm nông dân" ở Quảng Nam; khám phá miệt vườn sông nước ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long… Theo thống kê của Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương, hiện tại cả nước có hơn 1.300 điểm du lịch thuộc các địa phương quản lý, trong đó có khoảng 70% là các điểm du lịch thuộc khu vực nông thôn. Dư địa để phát triển du lịch nông thôn rõ ràng rất lớn, song nhiều chuyên gia cho rằng sự phát triển của hình thức du lịch này vẫn còn thấp so với tiềm năng. Do chủ yếu phát triển tự phát, nhỏ lẻ cho nên các điểm đến du lịch nông thôn vẫn còn thiếu sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch, chưa tạo được nguồn thu cao; các sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu, trùng lắp và thiếu tính sáng tạo; thêm nữa nhân lực du lịch nông thôn chủ yếu là người bản địa, thiếu kiến thức, kỹ năng làm du lịch, dẫn đến chất lượng dịch vụ chưa bảo đảm… Đây là những bất cập tồn tại cần được khắc phục để mang đến sức bật mạnh mẽ cho du lịch nông thôn thời gian tới.

Gắn kết du lịch với xây dựng nông thôn mới

Trong Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, du lịch nông nghiệp và nông thôn được xác định là một trong những loại hình du lịch cần ưu tiên phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển sản phẩm du lịch xanh. Đặc biệt, "Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025" vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 đã tạo động lực, cơ sở vững chắc để phát triển du lịch nông thôn một cách bền vững. Chương trình xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 sẽ phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn, mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất một điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề, môi trường sinh thái của địa phương; 50% các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; 50% số điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch… Chương trình cũng đưa ra sáu nhóm giải pháp cụ thể để phát triển du lịch nông thôn, bao gồm: Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển du lịch nông thôn; huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn; tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn; bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao năng lực cho lao động du lịch nông thôn; ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số; tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế về phát triển du lịch nông thôn.

Tại hội nghị trực tiếp và trực tuyến triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Phát triển du lịch nông thôn không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn là trách nhiệm, niềm tự hào quê hương, xứ sở. Thực tế, chương trình phát triển du lịch nông thôn triển khai trên toàn quốc lần này chính là cuộc cách mạng xây dựng nông thôn mới. Đây là lần đầu chương trình phát triển du lịch nông thôn được triển khai ở quy mô quốc gia, có bố trí nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huy động được sự vào cuộc của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, được hỗ trợ đồng bộ về cơ chế, chính sách.

Theo Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, các địa phương cần xây dựng và nhân rộng các mô hình du lịch nông thôn sao cho phù hợp thực tế trên cơ sở tôn trọng văn hóa địa phương, chia sẻ lợi ích, tránh tình trạng phát triển theo phong trào. Ưu tiên đầu tư cho các điểm du lịch nông thôn với sự đồng bộ về hạ tầng trong sự kết nối được với các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn, với các trung tâm du lịch và thị trường nguồn khách. Bên cạnh đó, phát triển sản phẩm du lịch nông thôn gắn với thị trường mục tiêu, ưu tiên các dòng sản phẩm nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe ở nông thôn, tăng cường tính sáng tạo, mức độ trải nghiệm cho du khách… Việc triển khai chương trình đồng bộ, hiệu quả kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt, sự chuyển biến tích cực cho phát triển du lịch nông thôn, đưa du lịch trở thành động lực góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển bền vững khu vực nông thôn.