Khai thác tiềm năng du lịch non nước Cao Bằng

NDO -

NDĐT - Sáng nay, 22-11, tại TP Cao Bằng, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức tọa đàm “Phát triển sản phẩm du lịch thác Bản Giốc gắn với Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng”.

Khai thác tiềm năng du lịch non nước Cao Bằng

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu, đại diện các công ty du lịch, công ty lữ hành tham dự và phát biểu ý kiến, khẳng định giá trị cũng như bàn giải pháp khắc phục những hạn chế để khai thác, phát triển tiềm năng du lịch của Cao Bằng theo hướng bền vững và hiệu quả.

Trước đó, trong bốn ngày (từ 18 đến 21-11), đoàn khảo sát do Tổng cục Du lịch tổ chức đã tiến hành chuyến điền dã đến nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng và còn hoang sơ thuộc Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng.

Cao Bằng có diện tích tự nhiên 6.724,6km2, địa hình phong phú và đa dạng, tạo nên nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, mang đậm nét hoang sơ, có giá trị du lịch cao. Hệ thống di tích lịch sử cách mạng và danh lam thắng cảnh… được giữ gìn, tôn tạo. Các giá trị văn hóa, văn học - nghệ thuật, dân ca, dân nhạc, dân vũ, dân gian truyền thống được nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục và phát huy giá trị.

Cao Bằng cũng là địa bàn của hơn 95% đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Mỗi dân tộc có nét sinh hoạt văn hóa riêng, tạo nên vùng đất văn hóa đa sắc tộc, hấp dẫn du khách. Các di tích đã và đang phát huy hiệu quả giá trị di tích, thu hút ngày càng đông du khách tham quan, nghiên cứu, học tập.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, trong 11 tháng, năm 2019, tổng lượt khách ước đạt 1.463.607 lượt, tăng 26,7% so cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 172.786 lượt, tăng 68,9% so cùng kỳ; khách nội địa ước đạt 1.290.821 lượt, tăng 22,6% so cùng kỳ. Tổng thu du lịch ước đạt 449,2 tỷ đồng, tăng 36,3% so cùng kỳ. Công suất sử dụng phòng ước đạt 66%.

Tuy nhiên, các cử tọa tham dự tọa đàm cũng chỉ ra, bên cạnh những kết quả đã đạt được, du lịch Cao Bằng vẫn tồn tại nhiều hạn chế cần tập trung khắc phục, như: công tác quản lý chưa theo kịp với tốc độ tăng trưởng cao, sản phẩm du lịch chưa thực sự khác biệt, nguồn nhân lực du lịch còn thiếu về số lượng, hạn chế về ngoại ngữ, tin học, khả năng ứng xử, kỹ năng mềm; hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch vẫn còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được không ít yêu cầu của du khách.

Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu đã thẳng thắn nêu kiến nhị, đề xuất giải pháp nhằm khai thác và phát huy hiệu quả lợi thế của tỉnh về phát triển du lịch bền vững, góp phần hướng tới mục tiêu tạo thương hiệu du lịch Cao Bằng với những đặc trưng riêng biệt, sản phẩm du lịch đa dạng có sức cạnh tranh cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân địa phương. Đồng thời, dần đưa du lịch Cao Bằng trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, là điểm đến thân thiện, hấp dẫn, trung tâm du lịch của các tỉnh khu vực trung du, miền núi phía bắc và cả nước.