Tuy nhiên trên thực tế, việc khai thác, thương mại hóa sáng chế chưa hiệu quả, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đánh giá, lựa chọn giải pháp tối ưu và giải mã sáng chế phù hợp với nhu cầu đổi mới sáng tạo và nguồn lực của mình.
Bên cạnh việc tiếp tục tăng nguồn cung sáng chế, cần có giải pháp khai thác hiệu quả các sáng chế, thúc đẩy thị trường sáng chế phát triển góp phần tạo vị thế, lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Tăng số đơn đăng ký sáng chế
Theo Cục Sở hữu trí tuệ, từ năm 1981 đến hết năm 2022, có 10.240 sáng chế của chủ thể Việt Nam nộp đơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ, 1.665 sáng chế được cấp bằng độc quyền. Số lượng đơn đăng ký sáng chế của chủ thể Việt Nam tăng trung bình 10-19% mỗi năm, năm 2020 đã có sự gia tăng đột biến, lớn nhất từ trước đến nay, lên tới 29%.
Trong giai đoạn 2011-2020, Hà Nội dẫn đầu cả nước về lượng đơn đăng ký sáng chế, với 2.639 đơn, tiếp đến là Thành phố Hồ Chí Minh với 1.556 đơn, Bà Rịa-Vũng Tàu 98 đơn, Ðồng Nai 96 đơn, Ðà Nẵng 82 đơn và Cần Thơ 82 đơn. Ðiều này cho thấy, nhận thức của các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, các địa phương về sáng chế và các đối tượng sở hữu trí tuệ khác đã được quan tâm hơn, năng lực hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, hoạt động nghiên cứu đã gắn nhiều hơn với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó là sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, coi sáng chế, tài sản trí tuệ là nguồn lực quan trọng để duy trì, phát triển và nâng cao vị thế cạnh tranh quốc gia.
Là nơi có nguồn tài sản trí tuệ lớn của quốc gia, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã triển khai những chính sách đột phá để khai thác, đưa nhanh kết quả nghiên cứu tham gia thị trường khoa học và công nghệ. Theo đó, có các hướng nghiên cứu tập trung giải quyết "vùng trũng" trong nghiên cứu để công nghệ tiệm cận nhu cầu của doanh nghiệp nhất, như hướng nghiên cứu ứng dụng yêu cầu "đầu ra" đăng ký bằng sáng chế và giải pháp hữu ích; hướng đề tài dự án sản xuất thử nghiệm nhằm nâng quy mô sản xuất bán công nghiệp và hướng đề tài nghiên cứu phát triển sản phẩm thương mại sẵn sàng chuyển giao cho doanh nghiệp trên cơ sở các kết quả nghiên cứu đã được bảo hộ sáng chế và giải pháp hữu ích.
PGS, TS Phan Tiến Dũng, Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, chính sách đột phá này đã góp phần đưa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thành ngọn cờ đầu trong đăng ký sáng chế. Riêng năm 2021, Viện được cấp 63 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích, chiếm 1/3 tổng số văn bằng độc quyền sáng chế của chủ đơn người Việt Nam và chiếm khoảng 60% tổng số văn bằng của các trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước.
Số lượng sáng chế tăng có sự đóng góp từ các tập đoàn, doanh nghiệp là tín hiệu cho thấy doanh nghiệp chú trọng đến đổi mới sáng tạo dựa vào khai thác sáng chế, tài sản trí tuệ. Một số doanh nghiệp sở hữu số lượng lớn tài sản trí tuệ, trong đó có sáng chế, như Tập đoàn Viettel, Công ty cổ phần Sao Thái Dương, Công ty cổ phần Traphaco, Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO... Giá trị và những lợi ích kinh tế mà tài sản trí tuệ mang lại chiếm một phần không nhỏ trong tổng giá trị của các doanh nghiệp này.
Viettel là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực đăng ký sáng chế tại Việt Nam, với 505 đơn đăng ký sáng chế và 94 văn bằng sáng chế được cấp. Ðể khẳng định năng lực công nghệ và mở rộng thị trường, Viettel đã đăng ký bảo hộ 23 sáng chế tại Mỹ. Theo các chuyên gia sở hữu trí tuệ, việc đăng ký sáng chế ở nước ngoài là hướng đi đúng của các doanh nghiệp trong quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Cơ hội từ thị trường sáng chế
Theo TS Nguyễn Hữu Xuyên, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ, hoạt động khai thác, thương mại hóa sáng chế có thể bắt đầu từ việc nghiên cứu toàn bộ thông tin, tư liệu sáng chế đã hết hạn bảo hộ hoặc còn hạn bảo hộ để hình thành ý tưởng, giải pháp kỹ thuật mới phục vụ cho nhu cầu giải mã công nghệ từ sáng chế, cải tiến sản phẩm, công nghệ hiện có, phát triển các tiềm năng của sáng chế để tạo ra công nghệ, giải pháp mới, hoặc phục vụ cho việc tiếp nhận, chuyển giao sáng chế mà không bị vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ. Vấn đề bất cập hiện nay là số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích được khai thác, thương mại hóa còn thấp, việc khai thác chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Bà Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc điều hành Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP cho biết, thị trường thương mại hóa bằng sáng chế là một ngành công nghiệp lớn và đang phát triển, trị giá ước tính khoảng 180 tỷ USD trên toàn cầu. Tại Việt Nam, một số thách thức đã cản trở tiềm năng tăng trưởng của nó như thiếu khung pháp lý cho thương mại hóa bằng sáng chế, khó khăn trong việc định giá sáng chế, doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu khả năng tìm kiếm, tiếp cận, xử lý và khảo sát thông tin. Tuy nhiên, nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam là "cơ hội vàng" để đi tắt đón đầu về khoa học và công nghệ, ứng dụng những tiến bộ, thành tựu khoa học, công nghệ của nhân loại từ bằng sáng chế. Số lượng bằng sáng chế tăng là cơ hội cho các công ty, doanh nghiệp tận dụng để bảo đảm năng suất lao động của mình. Chính phủ đang tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các chương trình đổi mới sáng tạo một cách mạnh mẽ, chuyển nhanh các kiến thức, kết quả nghiên cứu thành sản phẩm… cũng là thời điểm thích hợp và lợi thế nhất để doanh nghiệp tận dụng bằng sáng chế.
PGS, TS Phan Tiến Dũng cho biết, sáng chế của các doanh nghiệp thường được khai thác, ứng dụng ngay bởi họ nghiên cứu để giải quyết những "bài toán" của chính mình. Ðể sáng chế của các cơ sở nghiên cứu được khai thác hiệu quả hơn, nhà khoa học cần "cọ xát" nhiều hơn với doanh nghiệp, phát hiện các vấn đề của cuộc sống. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, nhà khoa học và doanh nghiệp phải xây dựng được mối quan hệ, tin tưởng nhau, để nhà khoa học có thể làm việc tại doanh nghiệp và doanh nghiệp không ngần ngại trao đổi, chia sẻ các vấn đề của họ. Bên cạnh đó, cần tháo gỡ những quy định của pháp luật có thể kìm hãm việc đăng ký và thương mại hóa sáng chế, như chưa chấp nhận sự rủi ro trong nghiên cứu khoa học, nhà khoa học được hưởng tỷ lệ quá thấp khi thương mại hóa tài sản trí tuệ, chưa có tổ chức hỗ trợ định giá công nghệ cho việc chuyển giao.
TS Nguyễn Hữu Xuyên cho rằng, cần nâng cao chất lượng và gia tăng nguồn cung sáng chế, công nghệ phục vụ cho đổi mới sản phẩm, đổi mới quy trình. Cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho mọi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức, đặc biệt là các tổ chức khoa học và công nghệ tạo ra được các sản phẩm nghiên cứu có chất lượng để có thể đăng ký và được cấp bằng độc quyền sáng chế. Cùng với đó, tiếp tục đẩy nhanh hỗ trợ về thủ tục, quy trình cho các nhà khoa học, các tổ chức khoa học và công nghệ đăng ký và xác lập quyền sở hữu kết quả nghiên cứu để hình thành nguồn cung sáng chế. Hằng năm, các tổ chức khoa học và công nghệ sử dụng vốn ngân sách để thực hiện đề tài, dự án nghiên cứu thì cần có trách nhiệm báo cáo về kết quả của đề tài, dự án sau nghiệm thu. Từ đó, sẽ cung cấp thông tin cần thiết về triển vọng đăng ký sáng chế, về tình trạng kỹ thuật và khả năng thương mại hóa, đây là nguồn thông tin giá trị để gia tăng được nguồn cung sáng chế, công nghệ trong tương lai. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ hình thành và phát triển tổ chức trung gian như các sàn giao dịch sáng chế, công nghệ, các tổ chức tư vấn, thẩm định, giám định công nghệ để thúc đẩy hoạt động kết nối cung, cầu về sáng chế.
Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy nhanh việc thực thi Chiến lược phát triển tài sản trí tuệ quốc gia đến năm 2030, trong đó có nội dung về khai thác sáng chế. Trong quá trình tiếp cận và sử dụng các chính sách nhà nước phục vụ khai thác sáng chế, doanh nghiệp cần bám sát các chương trình quốc gia đến năm 2030 như Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ, Chương trình phát triển công nghệ cao, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia,… Qua đó góp phần thúc đẩy doanh nghiệp khai thác sáng chế dựa trên nguồn lực và nguồn lực huy động được.
Ðể khai thác tiềm năng của thị trường bằng sáng chế, mới đây Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP, đưa các bằng sáng chế do các chuyên gia của BambuUP "lọc" lên sàn thương mại để các doanh nghiệp có nhu cầu, kết nối. Ðây là cách làm sáng tạo nhằm xây dựng nhận thức cho doanh nghiệp về lợi ích và tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ cũng như việc sở hữu bằng sáng chế trong quá trình đổi mới sáng tạo mở. Sau hơn 1 tháng đưa sáng chế lên sàn, có hơn 2.000 người quan tâm đến các nội dung về bằng sáng chế. Thị trường hứng thú với các bằng sáng chế gia dụng và công nghiệp thực phẩm (nước trái cây cô đặc, áo làm mát, bàn chải đánh răng thông minh), tiếp theo là các bằng sáng chế về kỹ thuật (máy móc, máy làm vườn, máy thu hoạch rau)… Có thể thấy, thị trường sáng chế đang dần được khai phá phục vụ cho hành trình đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.