Khai thác hiệu quả, bền vững các dự án thủy điện

Gần 70% tổng thu ngân sách hai năm 2022, 2023 (khoảng 1.600 tỷ đồng mỗi năm); hơn 500 tỷ đồng thu từ dịch vụ môi trường rừng mỗi năm; hàng nghìn lao động là người địa phương có việc làm, thu nhập ổn định… là những con số mà các dự án thủy điện đang đóng góp cho Lai Châu.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy Thủy điện Nậm Na 3, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.
Nhà máy Thủy điện Nậm Na 3, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.

Đây cũng sẽ là những đóng góp lâu dài, bền vững cho sự phát triển của tỉnh biên giới này trong nhiều năm tiếp theo. Do đó Lai Châu rất cần sự quan tâm, chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương để lĩnh vực thủy điện trên địa bàn tỉnh có điều kiện phát triển bền vững.

Đóng góp tích cực cho kinh tế-xã hội

Năm nay đã là năm thứ tư anh Lầu A Hồ, bản Sang Phàng Cao, xã Khun Há, huyện Tam Đường làm công nhân vận hành cho Nhà máy Thủy điện Nậm Đích 1 của Công ty cổ phần Thủy điện Khun Há. Với mức lương 8 triệu đồng/tháng cùng các khoản phụ cấp, hỗ trợ, thưởng lễ, Tết và đầy đủ các chế độ xã hội khác, gia đình anh Hồ có cuộc sống ổn định. Con trai lớn của anh Hồ cũng theo nghề bố, đã hoàn thành cho mình tấm bằng Cao đẳng điện lực, hiện đang làm vận hành cho một nhà máy thủy điện khác cùng công ty bố với mức thu nhập cao hơn.

Theo lời anh Hồ, ban đầu anh chỉ học sơ cấp điện, ngoài đi làm thuê cho một số chủ công trình trên địa bàn huyện, lúc rảnh anh tranh thủ sửa chữa thêm điện cho bà con trong bản, tuy nhiên công việc cho thu nhập không ổn định.

Khi Công ty cổ phần Thủy điện Khun Há về đầu tư xây dựng Nhà máy Thủy điện Nậm Đích 1, thấy anh là người địa phương đã có bằng sơ cấp điện do đó công ty tuyển dụng anh Hồ vào làm việc, cho anh đi học thêm, sau đó về trực vận hành. Quá trình làm việc cho công ty thấy công việc, thu nhập ổn định nên anh định hướng cho con trai lớn của mình học theo nghề của bố.

Trong quá trình học tập, con trai anh Hồ đều xin về thực tập tại công ty nơi anh làm việc, sau khi ra trường cháu cũng được nhận vào làm công nhân vận hành. Nhờ đó hiện tại, cả hai bố con anh Hồ đều có việc làm và thu nhập ổn định, lâu dài.

Anh Hồ và con trai anh cũng chỉ là hai trong số gần 1.000 con em đồng bào các dân tộc Lai Châu đang làm công nhân vận hành cho khoảng 50 nhà máy thủy điện với mức thu nhập ổn định từ 8 đến 12 triệu đồng/người/tháng. Nếu theo đúng tính toán, khi cả 160 dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn Lai Châu hoàn thiện đi vào hoạt động, số lượng công nhân vận hành người địa phương được tuyển dụng, sử dụng rơi vào khoảng 3.000 người. Ngoài ra trong quá trình thi công xây dựng, các công trình thủy điện đã tạo ra việc làm thời vụ cho hàng chục nghìn lao động phổ thông.

Nhắc đến đóng góp của thủy điện không thể không nhắc đến các khoản thu từ dịch vụ môi trường rừng. Với tổng thu bình quân hơn 500 tỷ đồng/năm, mỗi năm toàn tỉnh có hơn 84 nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số được chi trả tiền từ dịch vụ này; mức chi trả bình quân gần 6 triệu đồng/hộ. Và cũng với việc thu tiền từ dịch vụ môi trường rừng, hơn 450 nghìn héc-ta rừng của Lai Châu được chăm sóc, bảo vệ thường xuyên, nâng mức độ che phủ rừng từ 41,6% năm 2011 lên hơn 52% như hiện nay. Đặc biệt tại các xã như Mù Cả, Tà Tổng, huyện Mường Tè; rất nhiều hộ có được nguồn thu ổn định hơn 40 triệu đồng/năm từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng. Trong đó có nhiều gia đình như bà Pờ Lò Xó, ông Lý Lòng Cà đã vươn lên thoát nghèo bằng việc mua thêm bò, dê, nuôi thêm ong lấy mật từ nguồn tiền hỗ trợ nêu trên...

Ông Phạm Ngọc Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lai Châu cho biết, các đơn vị thực hiện các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh hằng năm đều nộp thuế đúng hạn, không phát sinh nợ xấu, nợ đọng. Đối với một tỉnh miền núi như Lai Châu nếu không có các thủy điện thì nguồn thu ngân sách hằng năm rất thấp. Ngoài thủy điện ra thì chỉ có thuế đất và một số nguồn thu khác rất nhỏ, Lai Châu lại gần như không có cụm, khu công nghiệp nào. Vì vậy hằng năm, nguồn thu thuế từ các dự án thủy điện những năm gần đây đều chiếm từ 65 đến 70% nguồn thu ngân sách địa phương.

Dự kiến khi tất cả các dự án thủy điện đã được quy hoạch đưa vào vận hành phát điện, hằng năm sẽ đóng góp cho nguồn thu thuế của tỉnh Lai Châu khoảng 3.312 tỷ đồng. Trong đó, các dự án thủy điện nhỏ chiếm khoảng 1.718 tỷ đồng, tương đương 51,87% tổng nguồn thu thuế từ thủy điện.

Cần sự phát triển bền vững

Theo quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1585/QĐ-TTg ngày 7/12/2023, trong đó đã tích hợp 160 dự án thủy điện đã được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch với quy mô tổng công suất 4.271,35 MW, điện lượng trung bình năm là 15,6 triệu kW giờ.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho 122 dự án thủy điện với quy mô tổng công suất 3.866,15 MW, điện lượng trung bình năm là 14.144 triệu kW giờ, tổng mức đầu tư hơn 120.400 tỷ đồng. Hiện có 49 dự án đưa vào vận hành phát điện với tổng công suất 2.895,55 MW, điện lượng trung bình năm là 10.859,42 triệu kW giờ, đóng góp khoảng 70% nguồn thu ngân sách của tỉnh.

Có một điểm đặc biệt đó là mặc dù các dự án thủy điện nhỏ đã được bổ sung vào quy hoạch trên địa bàn có nhu cầu sử dụng khoảng 1.146 ha đất các loại song đến nay, tỉnh Lai Châu chưa phải thực hiện di dân, tái định cư bất cứ một hộ dân nào. Bên cạnh việc bảo đảm tránh ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, các nhà đầu tư cũng đã quan tâm, hỗ trợ bảo đảm an sinh cho nhân dân trong khu vực. Đơn cử như việc cung cấp điện sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân khu vực lân cận công trình chưa có lưới điện quốc gia (như bản Nhóm Pố thuộc xã Tá Bạ, huyện Mường Tè; bản Nậm Sập, Pá Đởn, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn...), hỗ trợ các thôn bản xây dựng nhà văn hóa, đường sản xuất, đường liên thôn...

Đồng chí Lê Văn Lương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu nhận định: Về tổng thể, định hướng phát triển công nghiệp năng lượng được triển khai thực hiện theo chủ trương, định hướng của Trung ương, của Đảng bộ tỉnh; việc triển khai thực hiện bảo đảm đúng quy định của pháp luật, phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch ngành có liên quan.

Các dự án đầu tư trên địa bàn đã và đang phát huy tốt hiệu quả sau đầu tư, đóng góp một phần sản lượng điện cho lưới điện quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng; thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển, cải thiện và làm thay đổi cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi; góp phần tạo thêm việc làm, từng bước ổn định cuộc sống người dân; cắt, giảm lũ cho vùng hạ lưu trong mùa mưa, điều tiết nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong mùa khô, hình thành các hồ nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch, đóng góp lớn nguồn thu ngân sách địa phương.

Tuy nhiên, theo nội dung dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII kèm theo Tờ trình số 7146/TTr-BCT ngày 12/10/2023 của Bộ Công thương, đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lai Châu sẽ được phân bổ công suất các dự án thủy điện nhỏ là 1.529 MW; điện sinh khối được 10 MW; các nguồn điện khác như: điện gió trên bờ, điện mặt trời tập trung, điện sản xuất từ rác thải không được phân bổ công suất. Do đó, trong thời gian tới sẽ không có cơ sở thực hiện các thủ tục đầu tư các dự án thủy điện đã được quy hoạch nhưng chưa cấp chủ trương đầu tư, dự án tiềm năng thủy điện, dự án tiềm năng điện gió, điện mặt trời...