Khai mạc Hội nghị cấp cao EU-CELAC

Theo Roi-tơ và TTXVN, Hội nghị cấp cao (HNCC) Liên hiệp châu Âu (EU) - Cộng đồng các quốc gia Ca-ri-bê và Mỹ la-tinh (CELAC) lần thứ 8 họp tại thủ đô Brúc-xen (Bỉ) trong hai ngày 10 và 11-6. Tham dự hội nghị, có lãnh đạo 61 quốc gia đến từ châu Âu và khu vực Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê.

Phiên họp trong khuôn khổ HNCC EU-CELAC tại Brúc-xen, Bỉ.
Phiên họp trong khuôn khổ HNCC EU-CELAC tại Brúc-xen, Bỉ.

Với chủ đề "Hình thành tương lai chung nhằm hướng tới cuộc sống thịnh vượng, gắn kết và bền vững cho người dân", HNCC EUCELAC năm nay tập trung thảo luận các vấn đề chính trong lĩnh vực kinh tế và thương mại. Bên cạnh chủ đề giúp Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ, hội nghị cũng sẽ thảo luận về các chương trình viện trợ đối với các nước Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê, Hiệp định thương mại tự do EUCELAC, vấn đề chống biến đổi khí hậu. Ngoài ra, hội nghị còn thảo luận về tiến trình hòa bình tại Cô-lôm-bi-a, việc tái thiết Ha-i-ti và quá trình cải cách của Cu-ba.

* Nhân dịp này, hai bên sẽ tổ chức diễn đàn doanh nghiệp nhằm thảo luận các vấn đề trong lĩnh vực công nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

HNCC EU-CELAC được xem là diễn đàn chính để tăng cường đối thoại và hợp tác song phương giữa hai khu vực. EU hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất khu vực và là đối tác thương mại đứng thứ hai của CELAC (gồm 33 thành viên). Kim ngạch thương mại giữa EU và các nước khu vực Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê trong năm 2014 đạt 265 tỷ USD.

* Trước thềm HNCC EUCELAC, các bộ trưởng ngoại giao Đức và Cu-ba đã đánh giá cao bầu không khí được cải thiện giữa La Ha-ba-na với phương Tây. Tờ nhật báo Phố Uôn (Mỹ), số ra ngày 9-6 cho biết, Bộ trưởng Ngoại giao Đức P.Xtây-mai-ơ bày tỏ vui mừng trước những bế tắc trong quan hệ song phương đã đi đến hồi kết và cho rằng, việc phá băng này mang lại bước tiến tích cực hướng tới bình thường hóa quan hệ. Ông P.Xtây-mai-ơ cho biết, ông sẽ tới thăm La Ha-ba-na vào cuối năm nay theo lời mời của người đồng cấp Cu-ba.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Cu-ba B.Rô-đri-ghết cho rằng, các mối quan hệ đang dần cải thiện giữa Cu-ba và Đức sẽ mang lại những lợi ích kinh tế cho cả hai bên.