Quy tụ đông đảo các đại biểu đến từ khoảng 115 quốc gia và vùng lãnh thổ, SPIEF 2022 được kỳ vọng mang đến nhiều cơ hội hợp tác mới, trong bối cảnh thế giới nhiều biến động.
Trong khuôn khổ khối chuyên đề "Trật tự kinh tế mới: Ứng phó thách thức thời đại", các phiên thảo luận tập trung làm rõ các vấn đề về phục hồi kinh tế và hợp tác quốc tế trong Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU); sự chuyển đổi của thương mại thế giới...
"Kinh tế Nga: Những thách thức và triển vọng mới" là nội dung khối chuyên đề thứ hai, bàn về những thách thức mới mà nước Nga phải đối mặt. Trong đó, đề cập vấn đề chuyển đổi từ chống khủng hoảng sang tăng cường tiềm năng dài hạn của nền kinh tế, phân tích môi trường đầu tư ở các khu vực của Nga, phát triển thị trường tài chính, các ngành công nghiệp xương sống...
Hai khối chuyên đề còn lại mang tên "Công nghệ hiện đại cho nhân loại: Xây dựng tương lai có trách nhiệm" và "Đầu tư vào con người - Đầu tư vào phát triển", thảo luận hợp tác quốc tế về khoa học, chủ quyền kỹ thuật số và an ninh thông tin, số hóa y tế, công nghệ, đồng thời đề cập những nguyên tắc văn hóa mới, phát triển nhân lực, các mô hình việc làm trong thế giới hậu Covid-19.
Bên cạnh 4 khối chuyên đề chính, Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg 2022 còn tổ chức các cuộc đối thoại kinh doanh xuyên quốc gia với các đại diện cộng đồng doanh nghiệp châu Phi, Trung Đông, châu Âu, châu Á, Mỹ Latin... Ngoài ra, còn có diễn đàn dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, diễn đàn kinh tế thanh niên quốc tế, diễn đàn doanh nghiệp sáng tạo, an ninh thuốc, đối thoại trẻ em... Trong khuôn khổ diễn đàn, cũng diễn ra hàng loạt các chương trình ký kết.
Theo kế hoạch, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Phiên toàn thể, diễn ra ngày 17/6. Diễn đàn sẽ kéo dài đến ngày 18/6.