Khách quốc tế đến Đà Nẵng ước tăng gấp 4 lần so với năm 2022

Theo báo cáo của Sở Du lịch Ðà Nẵng, tổng lượng khách do cơ sở lưu trú Ðà Nẵng phục vụ cả năm 2023 ước đạt hơn 7,4 triệu lượt, tăng gấp 2 lần so với năm 2022 và bằng 93% so với năm 2019.
0:00 / 0:00
0:00

Trong đó, tổng lượng khách quốc tế ước đạt hơn 2 triệu lượt, tăng gấp 4 lần so với năm 2022 và bằng 62% so với năm 2019; tổng lượng khách nội địa ước đạt 5,4 triệu lượt, tăng 69% so với năm 2022 và bằng 119% so với năm 2019. Tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành ước đạt 28 nghìn tỷ đồng, tăng 67% so với năm 2022 và bằng 133% so với năm 2019.

Du lịch Ðà Nẵng xác định 5 nhóm sản phẩm trụ cột để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của thành phố là: Nhóm sản phẩm du lịch tuyến biển cao cấp; nhóm sản phẩm về văn hóa, lịch sử; điểm du lịch MICE; du lịch đô thị, là thành phố động lực, trung tâm của khu vực, thu hút du khách đến vui chơi, mua sắm, học hành, y tế...; du lịch sinh thái rừng núi, sông hồ đang phát triển ở phía tây TP Ðà Nẵng.

Thanh Hóa phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Năm 2023 các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa tích tụ, tập trung thêm được hơn 3.200 ha đất, nâng tổng diện tích tích tụ, tập trung đất đai lên gần 19.450 ha để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt. Tỷ lệ sử dụng các giống tiến bộ, ứng dụng kỹ thuật sinh học đạt 94% đối với lúa, 100% đối với ngô, 84% đối với rau màu, 88% đối với cây công nghiệp. Toàn tỉnh có 445 sản phẩm nông sản của 273 xã, phường, thị trấn được công nhận, xếp hạng sản phẩm OCOP; hơn 500 sản phẩm nông sản, OCOP được quảng bá, bán trên các sàn thương mại điện tử với tỷ lệ giao dịch thành công chiếm 25-30% sản lượng bán hàng của các doanh nghiệp. Lần đầu tiên doanh nghiệp trong tỉnh Thanh Hóa đã xuất khẩu lô vải không hạt (vải ngọc) sang Nhật Bản và Anh.

Theo khảo sát, đánh giá của cơ quan chuyên môn, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Thanh Hóa cho giá trị bình quân 120 triệu đồng/ha, nhiều diện tích sản xuất công nghệ cao đạt từ 300 triệu đến hơn 2 tỷ đồng/ha/năm.

Quảng Nam thu hút hơn 6 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

Vượt qua khó khăn, thách thức, trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều kế hoạch, chương trình xúc tiến đầu tư với nhiều hình thức đa dạng; thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư...

Riêng trong năm 2023, tỉnh đã cấp mới 3 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 23,58 triệu USD. Ðến nay, số dự án FDI còn hiệu lực là 193 với tổng vốn đầu tư hơn 6 tỷ USD.

Năm 2023, Quảng Ngãi thu ngân sách nhà nước vượt dự toán 22,2%

Năm 2023, Quảng Ngãi có 24/25 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra; trong đó, có 13 chỉ tiêu vượt. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh khoảng 28.632 tỷ đồng, vượt 22,2% dự toán Trung ương giao và vượt 19,4% dự toán HÐND tỉnh giao.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 3,03%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ trọng công nghiệp-xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế tiếp tục tăng, chiếm 68,2%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 4.193 USD/người, tăng 1,1%.

Ðây là năm thứ 3 liên tiếp Quảng Ngãi thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, là một trong những địa phương điểm sáng của cả nước trong phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2023.

Khánh Hòa và Lâm Đồng đồng thuận xây dựng cao tốc Nha Trang-Đà Lạt

Triển khai Thông báo của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về tình hình thực hiện các công trình giao thông trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng, lãnh đạo hai tỉnh Lâm Ðồng và Khánh Hòa thống nhất cao cùng khắc phục khó khăn để xây dựng tuyến cao tốc Nha Trang-Ðà Lạt.

Tổng chiều dài cao tốc này khoảng 81,5 km; trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Khánh Hòa khoảng 44 km, qua địa phận tỉnh Lâm Ðồng khoảng 37,5 km. Quy mô đầu tư, làm một lần hoàn chỉnh theo quy hoạch đường rộng từ 22-24,75m.

Ðầu tư xây dựng cao tốc Nha Trang-Ðà Lạt nhằm hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ; kết nối với các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư; kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải. Dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP, hợp đồng BOT có sự hỗ trợ của Nhà nước.