Khắc phục yếu kém trong xây dựng nhà ở xã hội

Tỉnh Bạc Liêu được Chính phủ giao chỉ tiêu đến năm 2030 hoàn thành 1.900 căn nhà ở xã hội. Trong đó giai đoạn 2021-2025 hoàn thành 900 căn, giai đoạn 2026-2030 hoàn thành 1.000 căn. Tuy nhiên, đã gần kết thúc năm 2024 nhưng tỉnh vẫn chưa xây dựng được căn nhà nào.
Khu nhà ở xã hội đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu, tại khu dân cư Tràng An, thành phố Bạc Liêu.
Khu nhà ở xã hội đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu, tại khu dân cư Tràng An, thành phố Bạc Liêu.

Tỉnh Bạc Liêu có chủ trương phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp là cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và người lao động hiện đang khó khăn về nhà ở. Theo đó, các doanh nghiệp được hỗ trợ vay vốn ưu đãi dành cho chủ đầu tư và người mua nhà được vay vốn với lãi suất ưu đãi và thời gian vay từ 10-15 năm. Thực tế, nhu cầu mua nhà ở xã hội đối với cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và người lao động trên địa bàn tỉnh còn rất lớn cho nên các nhà đầu tư rất quan tâm việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc còn rất nhiều. Cụ thể, hiện nay trên địa bàn không có quỹ đất sạch dành cho phát triển nhà ở xã hội; tỉnh chưa có quy hoạch cụ thể cho dự án phát triển nhà ở xã hội, do đó nhà đầu tư rất khó tiếp cận được dự án. Bên cạnh đó, vấn đề thủ tục cũng là một trở ngại. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Giá Rai Đỗ Minh Thắng cho biết, trên địa bàn hiện có hơn 10.000 công nhân, lao động đang làm việc cho các nhà máy, xí nghiệp; nhu cầu giải quyết nhà ở xã hội của địa phương rất lớn. Từ mấy năm nay thị xã Giá Rai có hai dự án nhà ở xã hội nhưng vẫn chưa tiến hành kêu gọi đầu tư vì vướng nhiều thủ tục rườm rà, khó khăn cho nên các doanh nghiệp, nhà đầu tư cảm thấy “mệt mỏi, phức tạp”, không mặn mà triển khai thực hiện.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Văn Phương, nhà ở xã hội thuộc cơ chế nhà nước thu hồi đất (giao đất không thông qua đấu giá, được miễn tiền sử dụng đất), để đáp ứng đủ điều kiện thu hồi thì phải phù hợp kế hoạch sử dụng đất, mà kế hoạch sử dụng đất phải phù hợp quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Thời gian qua, quy hoạch xây dựng, sử dụng đất có nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh cần sớm chỉ đạo cấp huyện, thị xã, thành phố điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, đây là cơ sở để chính quyền địa phương và các doanh nghiệp có điều kiện thực hiện.

Nhiều nhà đầu tư cũng đóng góp ý kiến nhằm tháo gỡ khó khăn, bất cập. Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Bạc Liêu Vũ Văn Phơn kiến nghị, chính quyền và ngành chức năng tỉnh cần quy hoạch cụ thể dự án phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, ứng vốn ngân sách giao cho Trung tâm Phát triển nhà và đất tỉnh giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để giao nhà đầu tư xây dựng; chi phí giải phóng mặt bằng được cơ cấu vào giá thành của nhà ở xã hội, nhà đầu tư có trách nhiệm nộp lại cho ngân sách nhà nước. Mặt khác, tỉnh cần sớm điều chỉnh quy hoạch dự án phát triển nhà ở xã hội kịp thời để tạo điều kiện và cơ sở pháp lý cho nhà đầu tư liên kết với người dân có đất thỏa thuận hợp tác đầu tư. Khuyến khích, tạo điều kiện và điều chỉnh quy hoạch kịp thời cho người dân có quỹ đất lớn liên doanh, liên kết với nhà đầu tư để xây dựng dự án nhà ở xã hội phù hợp quy hoạch phát triển nhà ở chung của tỉnh...

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư-Địa ốc Hoàng Quân Trương Đình Thảo phản ánh, hiện nay quy trình làm nhà ở xã hội còn phức tạp hơn cả dự án nhà ở thương mại, khiến chủ đầu tư e ngại, vì lợi nhuận chỉ định là 10% (thấp hơn nhiều so với làm nhà ở thương mại). Theo quy định trước đây, nhà ở xã hội có thể là nhà liên kế thấp tầng, nhưng theo Luật Nhà ở năm 2023 thì lại là chung cư. Thực tế tại tỉnh Bạc Liêu, quỹ đất còn rất lớn, vì vậy tỉnh cần tập trung đẩy nhanh tiến độ lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng. Ủy ban nhân tỉnh cũng cần xây dựng cơ chế riêng cho việc phát triển nhà ở xã hội theo hướng rút gọn quy trình, thủ tục trong đấu thầu đấu giá, lựa chọn chủ trương đầu tư, giấy phép xây dựng…

Trước thực trạng yếu kém, nhiều khó khăn vướng mắc, đầu tháng 8/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về phát triển nhà ở xã hội và thực hiện các chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh gồm 15 thành viên, do Bí thư Tỉnh ủy Lữ Văn Hùng làm Trưởng ban.

Theo kế hoạch, tỉnh phấn đấu đến năm 2030 xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; cơ bản hoàn thành chỉ tiêu xây dựng 1.900 căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp và lực lượng vũ trang. Tỉnh cũng nêu mục tiêu thực hiện tốt việc hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu, nhất là người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở, hộ nghèo ở khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số. Đồng thời quy hoạch, bố trí dự án nhà ở xã hội độc lập và nhà ở xã hội trong quỹ đất 20% nhà ở thương mại, khu đô thị, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thiết yếu...

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc tỉnh Bạc Liêu thành lập Ban Chỉ đạo về phát triển nhà ở xã hội và thực hiện các chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách trên địa bàn mới chỉ là tín hiệu bước đầu. Điều quan trọng vẫn là thực chất hoạt động của Ban Chỉ đạo ra sao? Đặc biệt, kết quả cụ thể, thiết thực mới chính là điều mà người dân, nhất là những hộ nghèo đang có nhu cầu về nhà ở xã hội quan tâm, mong đợi ■