Khắc phục vướng mắc, bất cập về giao thông đường bộ

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 10/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024; thảo luận ở tổ về một số dự án Luật.
0:00 / 0:00
0:00
Phiên họp của Quốc hội ngày 10/11 tại Hội trường Diên Hồng. (Ảnh Mỹ Hà)
Phiên họp của Quốc hội ngày 10/11 tại Hội trường Diên Hồng. (Ảnh Mỹ Hà)

Thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024

Sáng qua, với 466 đại biểu tán thành, bằng 94,33% tổng số đại biểu, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Theo đó, thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 với số thu ngân sách nhà nước là 1.700.988 tỷ đồng; thu chuyển nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2023 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương là 19.040 tỷ đồng để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.

Về điều hành ngân sách nhà nước năm 2023, Nghị quyết nêu rõ:

Cho phép sử dụng 145,9 tỷ đồng nguồn thu hồi kinh phí đã tạm cấp trong năm 2022 cho một số địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư, chuyển nguồn để bổ sung cho các địa phương còn thiếu nguồn thực hiện chính sách và quyết toán niên độ ngân sách năm 2023; cho phép chuyển nguồn toàn bộ 13.796 tỷ đồng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 để bố trí dự toán, kế hoạch đầu tư công hằng năm trong các năm 2023, 2024, 2025 cho các dự án của Bộ Giao thông vận tải và tám địa phương. Bên cạnh đó, cho phép chuyển nguồn dự toán ngân sách nhà nước thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 (bao gồm vốn đầu tư phát triển, kinh phí thường xuyên của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) sang năm 2024 tiếp tục thực hiện.

Cũng trong sáng qua, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Ðường bộ; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Trước đó, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Cuối buổi sáng, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về các nội dung nêu trên. Ðại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) và một số đại biểu cho rằng, Luật Giao thông đường bộ được ban hành từ năm 2008 và được xây dựng ban hành trong bối cảnh hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế, phương tiện chủ yếu là xe mô-tô, xe gắn máy. Một số nội dung đã được điều chỉnh, nhưng chưa đồng bộ và cũng không còn phù hợp, có thể dẫn đến khó khăn trong duy trì trật tự giao thông. Ðặc biệt là, không có quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ, dẫn đến quá trình thực hiện còn chồng chéo, nhất là giữa cơ quan quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật. Do đó, việc tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Ðường bộ là cần thiết và phù hợp. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát phạm vi điều chỉnh để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, dễ áp dụng, tránh việc giao thoa giữa hai Luật.

Thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024

Mở đầu phiên làm việc chiều qua, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết với 444 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 89,88% tổng số đại biểu Quốc hội). Nghị quyết nhấn mạnh: Chính phủ cần siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp thực hiện, giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, theo Nghị quyết, Chính phủ sẽ quy định cụ thể việc thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô-tô thống nhất trong cả nước, bao gồm cả đường bộ thuộc Trung ương quản lý và đường bộ thuộc địa phương quản lý; bố trí dự toán chi ngân sách cho Bộ Công an tương đương 85% số thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông ngân sách trung ương được hưởng năm 2022, bổ sung có mục tiêu cho các địa phương tương đương 15% số thu còn lại để phục vụ công tác của các lực lượng khác tại địa phương tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Ðối với các địa phương, sẽ căn cứ điều kiện thực tế và khả năng cân đối, thực hiện phân bổ khoản kinh phí ngân sách Trung ương hỗ trợ bù mặt bằng chi cân đối ngân sách địa phương năm 2024 bảo đảm không thấp hơn năm 2023, để thực hiện các nhiệm vụ chi cân đối ngân sách địa phương. Về phần tăng thu ngân sách địa phương thực hiện năm 2024 so với dự toán năm 2024 (nếu có), sau khi dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định, địa phương thực hiện phân bổ theo quy định tại khoản 2, Ðiều 59 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.

Ngay sau đó, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Với 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô năm 2012), Luật Thủ đô (sửa đổi) có các quy định đáng chú ý như: tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân từ 95 lên 125, trong đó đại biểu chuyên trách tăng từ 20% lên 25%; tăng số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân từ hai lên ba đồng chí…

Theo phương án Chính phủ đề xuất, Thủ đô sẽ thành lập hai thành phố trực thuộc: thành phố logistics, dịch vụ ở khu vực phía bắc (gồm vùng Ðông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học ở khu vực phía tây (gồm vùng Hòa Lạc, Xuân Mai). Hai thành phố nêu trên sẽ có đặc thù khác so với chính quyền quận, huyện, thị xã, cụ thể là tăng số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, bổ sung Ban Ðô thị…

Theo Báo cáo thẩm tra dự án Luật nêu trên, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận thấy, việc củng cố, nâng cao năng lực của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, bảo đảm khả năng đảm đương thêm các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền cho Thủ đô là cần thiết. Mặc dù vậy, có một số ý kiến cho rằng, thay vì tăng số lượng đại biểu, cần phấn đấu tăng tỷ lệ đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội hoạt động chuyên trách và tập trung hơn vào đổi mới phương thức, cách thức làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Cũng tại phiên làm việc, các đại biểu đã nghe Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Dự án Luật gồm chín chương, 68 điều (tăng hai chương, 26 điều so với Luật Lưu trữ năm 2011). Ðiểm dễ nhận thấy là, dự án Luật quy định rõ các loại tài liệu lưu trữ điện tử; bản số hóa tài liệu lưu trữ; chuyển tài liệu lưu trữ số sang tài liệu lưu trữ giấy; xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; hệ thống quản lý tài liệu lưu trữ số; thu thập, bảo quản, sử dụng tài liệu lưu trữ số và hủy tài liệu lưu trữ số hết giá trị; kho lưu trữ số; lưu trữ tài liệu lưu trữ điện tử khác…

Qua thẩm tra, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cơ bản nhất trí với các quy định của dự thảo Luật về lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số; đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá kỹ lưỡng, xác định rõ lộ trình thực hiện, nguồn lực và các điều kiện cần thiết khác cho việc thực hiện các quy định liên quan đến lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số để bảo đảm tính khả thi.

Chiều cùng ngày, các đại biểu đã thảo luận ở tổ về các nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến các dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Cần bổ sung trách nhiệm của cảnh sát giao thông tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật đối với xe vận chuyển hàng hóa siêu trường, siêu trọng, xe quá tải, xe quá khổ lưu hành trên đường bộ để khắc phục chồng chéo nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông giữa lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông hiện nay. Việc điều chỉnh, bổ sung nội dung này vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là phù hợp.

Ðại biểu Lê Thị Ngọc Linh (Bạc Liêu)

Về quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải đáp ứng các điều kiện là có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tôi đề nghị cân nhắc thêm, vì nếu áp dụng đối với mọi loại phương tiện giao thông cơ giới là rất rộng và khó bảo đảm tính khả thi.

Ðại biểu Ðàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận)

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định phân quyền để Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, quận, huyện, thị xã và được tăng thêm biên chế dự phòng... Tôi băn khoăn với quy định này, bởi đây là thẩm quyền của Chính phủ theo Luật Tổ chức Chính phủ.

Ðại biểu Tạ Thị Yên (Ðiện Biên)