Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tại Điện Biên

Năm học 2024-2025, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Ðiện Biên tiếp tục đối diện với khó khăn do thiếu hàng nghìn giáo viên các cấp học, trong đó, riêng các môn: Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc thiếu gần 300 giáo viên. Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Ðiện Biên triển khai nhiều giải pháp khắc phục.
0:00 / 0:00
0:00
Thiếu giáo viên, áp lực công việc với giáo viên ở huyện Mường Chà thêm nặng nề.
Thiếu giáo viên, áp lực công việc với giáo viên ở huyện Mường Chà thêm nặng nề.

Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Ðiện Biên Nguyễn Văn Ðoạt cho biết: So với định mức, năm học 2024-2025, tỉnh Ðiện Biên thiếu 2.076 giáo viên. Trong đó, cấp học mầm non thiếu 915 giáo viên, tiểu học thiếu 522 giáo viên, trung học cơ sở thiếu 406 giáo viên và trung học phổ thông thiếu 233 giáo viên.

Tình trạng thiếu giáo viên tập trung ở hầu hết các huyện vùng cao, biên giới như: Tủa Chùa, Ðiện Biên Ðông, Mường Nhé, Nậm Pồ... Ðó là các huyện còn nhiều khó khăn trong giao thông, hạ tầng, đời sống nhân dân. Vì vậy, tuyển mới giáo viên đã khó, giữ chân giáo viên lại càng khó khăn hơn.

Thầy Vũ Ðức Biểu, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Tủa Chùa cho biết: Không riêng năm học này, mà những năm trước, Tủa Chùa luôn là huyện vùng cao thiếu nhiều giáo viên, nhất là giáo viên Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc ảnh hưởng rất nhiều đến nâng cao chất lượng dạy và học. Ðể bảo đảm thời lượng học đúng chương trình của Bộ Giáo dục và Ðào tạo quy định, trong năm học vừa qua, huyện Tủa Chùa phải thực hiện giải pháp giao giáo viên một số môn học dạy ở hai cấp trong cùng địa bàn một xã.

Chung thực trạng với Tủa Chùa, huyện Ðiện Biên Ðông cũng nhiều năm thiếu giáo viên. Thầy Nguyễn Tiến Thắng, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Với tổng số 51 trường từ cấp mầm non đến trung học cơ sở, 163 điểm trường với gần 23 nghìn học sinh, huyện Ðiện Biên Ðông còn thiếu 188 giáo viên (trong đó thiếu nhiều nhất là giáo viên Tiếng Anh). Thực trạng thiếu giáo viên nhiều năm đã và sẽ tạo thêm nhiều áp lực dạy và học với giáo viên, học sinh và cả cán bộ quản lý.

Nghịch lý là mỗi năm ngành giáo dục Ðiện Biên Ðông vẫn phải tinh giản 10% biên chế như các ngành khác, cho nên càng khó khăn hơn. Thầy Nguyễn Tiến Thắng cho biết, Ðiện Biên Ðông là huyện nghèo, rất khó thu hút người dự tuyển; ở các môn Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật thì càng khó thu hút hơn rất nhiều so với các địa bàn thuận lợi, trung tâm các thành phố khác. Mức lương của giáo viên vùng cao còn thấp, chưa tương xứng tính chất công việc ở vùng đặc biệt khó khăn và thêm nữa là áp lực lớn từ công việc đã khiến không ít giáo viên ở các huyện vùng cao như Ðiện Biên Ðông bỏ việc.

Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Tủa Chùa Vũ Ðức Biểu cho biết: Phòng đã chỉ đạo các trường bố trí thời gian thuận lợi, khoa học để giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc... giảng dạy đồng thời nhiều cấp, nhiều trường trong xã. Phòng Giáo dục và Ðào tạo tham mưu Ủy ban nhân dân huyện tuyển dụng mới 99 giáo viên và hợp đồng 95 chỉ tiêu chuyên môn nghiệp vụ ở các cấp học để bổ sung nhân lực cho các trường.

Với huyện Ðiện Biên Ðông, Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện cũng đã tham mưu Ủy ban nhân dân huyện tuyển dụng mới hơn 60 giáo viên; chỉ đạo bố trí giáo viên các bộ môn chuyên biệt tiếp tục đảm nhiệm giảng dạy ở các khối, các trường trong xã, bảo đảm khoảng cách di chuyển giữa các trường không quá xa đối với giáo viên.

Chuẩn bị cho năm học mới toàn tỉnh Ðiện Biên tăng cường nguồn nhân lực, tuyển mới 533 giáo viên và hợp đồng 434 giáo viên để bổ sung cho các cấp học.

Nguyễn Văn Ðoạt, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Ðiện Biên

Bên cạnh đó, ngành giáo dục Ðiện Biên cũng huy động đội ngũ giáo viên dạy Tiếng Anh có năng lực chuyên môn tốt tại các huyện: Mường Chà, Ðiện Biên và thành phố Ðiện Biên Phủ, hỗ trợ dạy trực tuyến cho học sinh các huyện vùng cao, biên giới gồm: Nậm Pồ, Mường Nhé và Ðiện Biên Ðông. Ðể thực hiện giải pháp này, Sở đã đề nghị và nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ Sở Giáo dục và Ðào tạo Thành phố Hồ Chí Minh trong bồi dưỡng, nâng cao chất lượng dạy và học trực tuyến.

Sắp tới, Sở Giáo dục và Ðào tạo Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cử cán bộ, giáo viên hỗ trợ mở lớp bồi dưỡng cho các giáo viên tại Ðiện Biên; đồng thời hỗ trợ phần mềm giúp Ðiện Biên nâng cao chất lượng dạy và học trực tuyến khi tỉnh thực hiện phương pháp dạy này, giúp Ðiện Biên dần tháo gỡ khó khăn do thiếu giáo viên nhiều năm nay.