Khắc phục tình trạng “loạn” giá thiết bị y tế

NDO -

Trước tình trạng giá thiết bị y tế, giá xét nghiệm “mỗi nơi mỗi kiểu” như hiện nay, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long thừa nhận có hiện tượng chênh lệch giá giữa các đơn vị, song cũng khẳng định ngành y tế cùng với các cơ quan chức năng đã đưa ra những giải pháp và triển khai rất quyết liệt trong thời gian qua để khắc phục.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trong phiên trả lời chất vấn của Quốc hội sáng 10/11. (Ảnh: LINH NGUYÊN)
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trong phiên trả lời chất vấn của Quốc hội sáng 10/11. (Ảnh: LINH NGUYÊN)

Có tình trạng “thả nổi” giá xét nghiệm?

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 10/11, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt vấn đề đối với Bộ trưởng Y tế, cho rằng trong thời gian qua, Bộ Y tế dường như buông lỏng giá xét nghiệm, không quản lý giá, dẫn đến tình trạng mỗi nơi mỗi giá. Ngay bản thân đại biểu test nhanh tại sân bay Tân Sơn Nhất cũng phải trả 440 nghìn đồng. Đại biểu cho rằng đây là một thiếu sót, gây thiệt thòi cho người dân. Vậy tại sao có việc này xảy ra?

Khắc phục tình trạng “loạn” giá thiết bị y tế -0

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long. (Ảnh: LINH NGUYÊN) 

Trả lời chất vấn về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết trang thiết bị y tế và sinh phẩm chẩn đoán trước đây không thuộc lĩnh vực quản lý theo Luật giá, và đây chính là điểm khiến cho giá có sự khác nhau.

Bên cạnh đó, giá cả các sản phẩm này cũng khác nhau giữa các hãng và các nước sản xuất, giữa các trang thiết bị y tế và sinh phẩm cũng khác nhau qua từng thời điểm. Có những thời điểm giá các nước có nhu cầu cao thì giá thành cũng cao hơn. Thí dụ như đầu năm 2020, khi đó khẩu trang, găng tay và trang thiết bị y tế khan hiếm trên thị trường nên giá bị đẩy lên cao và tất cả các quốc gia đều có tình trạng tranh mua đối với những mặt hàng này.

Theo Bộ trưởng, thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai rất quyết liệt các biện pháp nhằm từng bước minh bạch hóa cung ứng trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế. Tháng 7/2020, Bộ đã yêu cầu tất cả cơ sở kinh doanh, sản xuất thiết bị y tế phải công khai, niêm yết giá trên cổng thông tin của Bộ Y tế.

Đến nay, đã có 69.235 sản phẩm đã niêm yết giá và 93.253 kết quả đấu thầu cũng được niêm yết công khai trên cổng thông tin Bộ Y tế, từ đó các cơ sở tham khảo xây dựng kế hoạch đấu thầu cũng như triển khai đấu thầu cung ứng cho địa bàn của mình.

Theo Bộ trưởng, Bộ Y tế cũng liên tục yêu cầu doanh nghiệp tăng nguồn cung cho thị trường trong nước và hạ giá thành sản phẩm, bên cạnh việc tăng cường cấp phép để tạo cạnh tranh giữa các đơn vị cung ứng. Trước đây, có rất ít mặt hàng được cấp phép, sau khi các doanh nghiệp trên thế giới tăng mức sản xuất, đến nay chúng ta đã thực hiện cấp phép cho 131 sản phẩm, sinh phẩm chẩn đoán, trong đó có 60 sản phẩm test nhanh, 43 sản phẩm test PCR và 28 test kháng thể được cấp phép.

Ngoài ra, Việt Nam cũng tăng cường vận động tài trợ, hỗ trợ từ các nước. Theo thống kê, cho đến thời điểm hiện tại, đã vận động tài trợ trên 50 triệu test và riêng thành phố Hồ Chí Minh ngoài phần của Trung ương phân bổ cho các địa phương, thành phố cũng đã được các doanh nghiệp, cộng đồng hỗ trợ 14,4 triệu test.

Giảm giá thành là yêu cầu đặt ra, vì vậy Bộ Y tế liên tục có những văn bản yêu cầu về gộp mẫu. “Ngay từ Bắc Giang, chúng tôi đã yêu cầu gộp mẫu kể cả với test nhanh, có thể gộp 3, gộp 5, còn với test PCR có thể gộp 10, có nơi đã gộp tới 20. Điều này được cho phép trong chuyên môn để giảm giá thành xét nghiệm”, Bộ trưởng cho biết.

Đồng thời, Bộ cũng liên tục có điều chỉnh trong chiến lược xét nghiệm, tùy từng thời điểm, mức độ để có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế trên quan điểm phòng, chống dịch hiệu quả nhưng phải tiết kiệm.

Theo Bộ trưởng, Bộ Y tế tiên lượng từ ngày 11/7, việc triển khai test nhanh sẽ tăng nhanh. Do đó, Bộ đã có văn bản yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ và tất cả các địa phương phải thực hiện theo phương thức minh bạch, thực thanh, thực chi. Trong trường hợp người dân tự nguyện đến xét nghiệm và trả phí thì chỉ được thu theo đúng giá đầu vào, không được thu cao hơn. Vì vậy, có hiện tượng chênh lệch giá giữa các đơn vị, các cơ sở y tế tư nhân như đã thấy trong thời gian qua.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, điều này Bộ Y tế cũng đã nhìn nhận được. “Tuy nhiên, trong thời gian qua, một số đơn vị do quá bận phòng, chống dịch nên khi tháng 9 chúng tôi yêu cầu thực hiện đúng yêu cầu của Bộ về thực thanh, thực chi, giá test chỉ được thu đúng giá đầu vào là giá đấu thầu, nhưng đơn vị nhận lỗi do quá bận nên không thực hiện được. Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương phải nghiêm khắc nhắc nhở và chấn chỉnh”, Bộ trưởng nói.

Khắc phục tình trạng “loạn” giá thiết bị y tế -0
 Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn. (Ảnh: LINH NGUYÊN) 

Theo Bộ trưởng, Bộ Y tế đã ban hành 2 công điện gửi các cơ sở y tế yêu cầu không được thu tiền của người bệnh trong xét nghiệm Covid-19. Trong trường hợp có bảo hiểm y tế thì thanh toán bảo hiểm y tế, trường hợp không có bảo hiểm y tế thì do ngân sách nhà nước chi trả.

Thủ tướng cũng liên tục có chỉ đạo, nhắc nhở các địa phương thực hiện đúng các quy định pháp luật, bảo đảm không có lợi ích nhóm, không tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Đối với vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt và đưa vào trong chương trình thanh tra đối năm 2022 về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị và sinh phẩm y tế.

Bảo đảm nguồn cung và giá thành sản phẩm

Liên quan câu hỏi của đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận), Việt Nam là 1 trong 4 nước đầu tiên phân lập được virus SARS-CoV-2, và năm 2020 đã sản xuất được kit xét nghiệm và có nước đặt mua, nhưng vừa qua chủ yếu lại nhập khẩu mặt hàng này. Vậy nguyên nhân là gì?

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, để bảo đảm nguồn cung và giá thành sản phẩm, một trong những vấn đề Bộ đưa ra là thúc đẩy sản xuất trong nước. Hiện nay chúng ta có 8 doanh nghiệp cung cấp test nhanh, PCR và kháng thể.

“Năng lực sản xuất và cung ứng về cơ bản đáp ứng đầy đủ. Chúng tôi cũng nghiên cứu phương pháp chẩn đoán mới như qua nước bọt để giảm giá thành sản phẩm và tăng tiện ích cho người dân”, Bộ trưởng cho biết.

Bên cạnh đó, ngày 8/11 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 89 về quản lý trang thiết bị y tế. Có thể nói đây là một trong những nghị định làm thay đổi cơ bản vấn đề quản lý trang thiết bị y tế. Trong đó, đối với quản lý giá và trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm đã chính thức được đưa vào mặt hàng được quản lý giá. Bộ Y tế cũng làm việc chặt chẽ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình đại biểu Quốc hội bình ổn giá với mặt hàng này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.

Thêm vào đó, Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư 16 về giá xét nghiệm, quy định chỉ tính giá tối đa đối với giá test nhanh là 106 nghìn đồng. Nếu như đơn vị y tế đấu thầu với giá sinh phẩm thấp hơn giá đó chỉ được thu giá thấp hơn.

Bịt lỗ hổng quản lý giá thiết bị y tế

Khắc phục tình trạng “loạn” giá thiết bị y tế -0

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên chất vấn. (Ảnh: LINH NGUYÊN) 

Phát biểu giải trình, làm rõ chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của Bộ Tài chính với quản lý giá thiết bị y tế, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Luật Giá năm 2012 xác định, giao cơ quan quản lý giá đối với giá chuyên ngành về cho ngành quản lý. Thí dụ giá đất giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, giá điện giao cho Bộ Công thương, giá thiết bị y tế giao cho Bộ Y tế, giá giáo dục giao về cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ quy định đó, Nghị định 36 của Chính phủ giao trách nhiệm quản lý thiết bị y tế thuộc về Bộ Y tế. Bộ đã ban hành Thông tư số 14 năm 2020 về quản lý giá thiết bị y tế.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, vừa qua xảy ra sai phạm nhiều về giá thiết bị y tế, không chỉ lĩnh vực này mà còn ở giá đất đều có lỗ hổng, cần phải hoàn thiện. Bộ Tài chính và Bộ Y tế đã xây dựng Nghị định 98 và ban hành ngày 8/11/2021, trong khi Bộ Tài chính cũng có 2 văn bản góp ý cùng với Bộ Y tế đề nghị Chính phủ thắt chặt lỗ hổng này. Như vậy, việc thực thi Nghị định mới sẽ chặt chẽ hơn, tức từ phương thức công khai giá theo Nghị định 36 thì Nghị định 98 của Chính phủ đã buộc phải kê khai giá.

Các cơ sở y tế phải kê khai giá, giá đó phải chuyển về trung tâm dữ liệu của Bộ Y tế để quản lý. Nếu bán giá sai so với quy định, sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí thu hồi giấy phép hoạt động, hoặc nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì phải truy tố trước pháp luật. Có như vậy, chắc chắn sẽ bịt được lỗ hổng trong quản lý giá thiết bị y tế, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Trong kê khai giá, Bộ Tài chính yêu cầu, nếu thiết bị y tế nhập khẩu, phải công khai giá nhập thông qua hải quan. Các chi phí được tính hợp lý trên giá cơ sở. Nếu sản xuất trong nước phải công khai cả giá thành sản xuất và giá bán. Như vậy, sẽ góp phần hoàn thiện và bịt được lỗ hổng về giá thiết bị y tế trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng, việc loạn giá kit xét nghiệm và một số giá thiết bị y tế Bộ Tài chính cũng đã dự báo được tình hình này và chỉ đạo ngành thuế, hải quan quản lý chặt, không để đơn vị lợi dụng việc tài trợ, viện trợ để nâng giá, để đưa vào chi phí sản xuất nhằm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp do khoản này được trừ chi phí hợp lý theo Nghị định 44 của Chính phủ.

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV