Từ ngày 13/11 đến ngày 16/11 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra mưa to, mưa rất to trên diện rộng, kéo dài. Nước lũ sông Hương dâng cao vượt đỉnh lũ năm 2020 gây ngập diện rộng. Riêng tại thành phố Huế có khoảng 85% tuyến đường của 36 phường, xã đã bị ngập nặng. Mưa lũ làm 3 người chết và mất tích, khoảng 17.500 nhà dân bị ngập từ 0,3 đến 1,2m, gây sạt lở nhiều đoạn bờ sông, bờ biển, hư hỏng hạ tầng giao thông, kênh mương thủy lợi, bùn đất bao phủ khắp nơi...
Ngay khi nước lũ giảm, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các địa phương huy động tổng lực, triển khai lực lượng, cùng người dân dọn bùn, thanh tẩy môi trường. Chủ động thăm hỏi, động viên gia đình có người bị nạn, gia đình khó khăn, không để người dân thiếu đói.
Với phương châm nước rút đến đâu dọn dẹp vệ sinh đến đó; Đại tá Lê Huy Nghĩa, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực, dân quân tự vệ ra quân giúp đỡ các địa phương khắc phục hậu quả sau mưa lũ, giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Hai bên bờ sông Đông Ba thuộc các phường Gia Hội và Đông Ba (TP Huế), sau khi lũ rút đã để lại một lượng bùn đất, rác thải lớn, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Ban Chỉ huy quân sự thành phố Huế đã huy động gần 200 cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực, dân quân tự vệ cùng các lực lượng của địa phương nhanh chóng nạo vét bùn đất.
Những ngày qua, mưa lớn làm hàng chục nghìn ngôi nhà của người dân, trường học và các tuyến đường trên địa bàn toàn tỉnh ngập sâu, do đó ngay sau khi nước rút đã để lại những hậu quả rất lớn, đặc biệt là lượng rác thải, bùn đất phủ kín tại các tuyến đường trọng điểm, đường dân sinh và các trường học. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy quân sự 9 huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện tỏa về các địa phương kịp thời giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ.
Theo Đại tá Lê Huy Nghĩa, ngay sau khi nước lũ bắt đầu rút, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Ban Chỉ huy quân sự các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với địa phương khảo sát, đánh giá những việc làm trước mắt, ưu tiên những vùng bị cô lập, thiệt hại nặng sau mưa lũ để giúp nhân dân sớm được ổn định đời sống. Đồng thời, tập trung vào các trường mầm non, các khu hoạt động, sinh hoạt cộng đồng, các trường tiểu học, các gia đình chính sách, neo đơn… giúp nhân dân ổn định cuộc sống ngay khi mưa lũ đi qua.
Hơn lúc nào hết, sự chung tay và góp sức của các lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên các đoàn thể lúc này không những giúp các thầy, cô sớm được đón học sinh trở lại trường mà còn góp phần thắt chặt hơn nữa tình quân dân.
Lực lượng dân quân giúp Trường tiểu học số 1 Hương Vinh (TP Huế) dọn dẹp vệ sinh sân trường. |
Tại Trường mầm non Thủy Thanh 1, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế), nước lũ làm ngập các thiết bị dạy học, khu vui chơi và để lại một lượng lớn bùn đất. Hơn 50 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 6, Ban Chỉ huy quân sự thị xã Hương Thủy cùng lực lượng dân quân, đoàn viên tại địa phương kịp thời hỗ trợ làm sạch phòng học, lau chùi bàn ghế và dọn một lượng lớn bùn đất, rác thải.
Hiệu trưởng Trường mầm non Thủy Thanh 1, cô giáo Nguyễn Thị Kim Tứ chia sẻ, nhà trường đã huy động cán bộ, giáo viên nước rút đến đâu dọn dẹp đến đó, tuy nhiên thực tế trường gặp nhiều khó khăn do đa phần giáo viên là nữ giới. Nhờ sự hỗ trợ của các anh bộ đội nên trường mới bảo đảm cơ sở vật chất, sẵn sàng đón học sinh trở lại sớm nhất.
Còn tại Trường tiểu học số 1 Hương Vinh (TP Huế), tuy không gây thiệt hại lớn về tài sản, nhưng sau khi mưa lũ đi qua để lại trên sân trường một lượng bùn đất rất lớn. Với sự chung tay, góp sức của các chiến sĩ dân quân của địa phương, nhà trường đã nhanh chóng được dọn dẹp cơ bản và có thể đón học sinh trở lại vào đầu tuần này. Hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Hương Vinh, cô giáo Nguyễn Thị Huyền cho biết, đến nay công việc dọn dẹp vệ sinh cơ bản hoàn thành.
Tại Thừa Thiên Huế, tuy thời tiết đã tạnh ráo, nhưng một số địa phương thuộc vùng thấp trũng như thị xã Hương Thủy, các huyện Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền… nước lũ vẫn ngập trong sân vườn. Với phương châm nước rút đến đâu, các lực lượng vũ trang, công an, đoàn thanh niên… sẽ tích cực hỗ trợ trường học và người dân khắc phục hậu quả đến đó.
Thiếu tá Nguyễn Văn Minh, Chính trị viên Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giúp đỡ người dân sớm ổn định cuộc sống”.
Kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ tại các địa phương trong tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu nhấn mạnh: “Cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm tổ chức nắm bắt tình hình đời sống và kịp thời hỗ trợ người dân, tuyệt đối không để người dân thiếu đói”.
Theo lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung trước mắt là khắc phục nhanh sự cố về giao thông, thủy lợi, ưu tiên các công trình cấp thiết; bảo đảm lương thực cho nhân dân, nhất là ở các khu vực bị cô lập; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ, bảo đảm đúng đối tượng, đúng chế độ.