Triển lãm dự kiến có hơn 400 đơn vị trưng bày cùng 13.000 khách tham quan từ 50 quốc gia và khu vực tham dự.
Ngoài nội dung triển lãm giới thiệu, chương trình còn có một số hoạt động nổi bật như: Hội nghị và hội thảo kỹ thuật, chương trình kết nối kinh doanh; Chuỗi hội thảo đầu bờ chuyên đề chăn nuôi…
Trong số nhiều hội nghị chuyên ngành về chăn nuôi, Hội nghị an toàn sinh học khu vực châu Á sẽ là điểm nhấn khi tập trung vào các định hướng, phương pháp và cách thức triển khai an toàn sinh học - giá trị cốt lõi của phát triển bền vững ngành chăn nuôi.
Dịp này, các đơn vị thực hiện cũng tổ chức trao giải thưởng Vietstock Awards 2024. Đây là giải thưởng vinh danh các doanh nghiệp và tổ chức hoạt động tiêu biểu, có nhiều đóng góp tích cực và ý nghĩa đến ngành chăn nuôi tại Việt Nam.
Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 11/10 tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại diện các đơn vị trao đổi thông tin tại chương trình |
Phát biểu tại chương trình, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, nông nghiệp chiếm vị thế quan trọng và là trụ cột cho nền kinh tế của Việt Nam, giữ vai trò duy trì an ninh lương thực, thực phẩm vững chắc của quốc gia, góp phần ổn định nền kinh tế vĩ mô Việt Nam.
Ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng ấn tượng năm 2023, với mức tăng 3.83%, cao nhất từ năm 2019.
Đồng thời, với xu hướng mở cửa thị trường, tháo gỡ các rào cản thương mại, nông nghiệp Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trên trường quốc tế, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP và cân bằng cán cân xuất nhập khẩu.
Tổng sản lượng của ngành chăn nuôi tăng 6,38% so với năm 2022. Chăn nuôi lợn đứng thứ 6 thế giới về sản lượng, giúp cung cấp khoảng 4,5 triệu tấn thịt hơi. Chăn nuôi gia cầm giúp cung cấp 2,3 triệu tấn thịt hơi và 19,2 tỷ quả trứng.
Không chỉ đáp ứng cho nhu cầu trong nước, các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam còn được xuất khẩu với tổng giá trị xuất khẩu năm 2023 đạt 515 triệu USD, tăng 26,2% so với năm 2022.
Tuy vậy, ngành chăn nuôi hiện vẫn còn một số hạn chế, như quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết dẫn đến giá trị gia tăng thấp; thức ăn chăn nuôi phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu; những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu.
Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững cần dựa trên 4 khía cạnh: hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm phúc lợi động vật.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, sự nỗ lực và hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước, các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp và người chăn nuôi; thiết lập những chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi chuyển đổi trang trại theo hướng hiện đại hóa.
Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, xây dựng chuỗi cung ứng khép kín và bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường mới có thể bảo đảm cho sự phát triển bền vững.