Khắc phục "bệnh" vô cảm, thiếu trách nhiệm

Trường hợp một người dân (tại Quận 12) phải cầu cứu đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mới được giải quyết hồ sơ tách thửa để chia đất cho con đã cho thấy những ách tắc nội tại của chính bộ máy công quyền cơ sở trong việc bảo đảm quyền lợi cho người dân.
0:00 / 0:00
0:00

Cụ thể, vợ chồng ông N (viết tắt tên nhân vật) có thửa đất nông nghiệp khoảng 1.000m2 tại phường Tân Thới Nhất, Quận 12. Thửa đất này nằm trong khu vực quy hoạch đất ở hiện hữu cải tạo. Để được tách thửa, từ năm 2018, ông N phải đi vay ngân hàng để đóng 5,5 tỷ đồng tiền thuế chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp thành đất ở và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Tháng 3/2021, sau khi hoàn tất các yêu cầu cần thiết, ông N nộp hồ sơ lên Ủy ban nhân dân Quận 12 để làm hồ sơ tách thửa. Tuy nhiên, ông bị chính quyền từ chối với lý do, Sở Quy hoạch và Kiến trúc có Thông báo số 1427 (ban hành ngày 16/4/2021) đề nghị tất cả các quận, huyện tạm ngưng tiếp nhận hồ sơ tách thửa có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật cho đến khi có hướng dẫn mới của Ủy ban nhân dân thành phố.

Do chờ đợi quá lâu, cộng áp lực mỗi tháng phải trả lãi vay hơn 60 triệu đồng, tháng 6/2023, ông N mạnh dạn làm đơn cầu cứu đến chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi có chỉ đạo, Ủy ban nhân dân Quận 12 đã tiếp nhận hồ sơ để thực hiện thủ tục tách thửa cho ông N.

Ông N là người hiếm hoi, may mắn trong hàng chục nghìn hồ sơ làm thủ tục tách thửa chưa được giải quyết bởi Thông báo số 1427 của Sở Quy hoạch và Kiến trúc. Đã gần ba năm trôi qua, gần như tất cả các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã ngưng tiếp nhận hồ sơ tách thửa cho dân.

Còn nhớ cách đây không lâu, phải chờ đến khi lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kết luận thì những hộ dân có đất nằm trong khu quy hoạch "dân cư xây dựng mới" mới được chuyển mục đích lên đất ở. Trong khi đó, theo các chuyên gia pháp lý, trong các bộ luật không hề tồn tại quy hoạch đất dân cư xây dựng mới mà quy hoạch này chỉ có ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Hơn 12.000 ha đất quy hoạch dân cư xây dựng mới bị ảnh hưởng; hàng chục nghìn hồ sơ tách thửa của người dân bị ách tắc… là những con số biết nói thể hiện rõ bộ máy công quyền của thành phố chưa làm hết trách nhiệm với dân. Ở đâu đó vẫn còn tồn tại tình trạng đá qua đá lại giữa các sở, ngành trong giải quyết hồ sơ pháp lý cho các doanh nghiệp.

Từ trường hợp ông N, nếu ngay từ đầu, Ủy ban nhân dân Quận 12 quan tâm, vận dụng nhiều giải pháp để giải quyết hồ sơ cho dân thì dân đâu bức xúc. Đây là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân Quận 12, không cần phải đợi lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo rồi mới thực hiện.

Đối với Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Thông báo số 1427 về tạm ngưng tiếp nhận hồ sơ tách thửa được các luật sư đánh giá là mơ hồ, không có cơ sở pháp lý. Bởi trên thực tế, Quyết định số 60 của Ủy ban nhân dân thành phố vẫn có hiệu lực vì chưa có văn bản nào chấm dứt hoặc thay thế.

Do vậy, Sở Quy hoạch và Kiến trúc và các quận, huyện vẫn phải giải quyết quyền lợi cho người dân chứ không thể ngưng tiếp nhận hồ sơ gần ba năm nay mà không đưa ra hướng giải quyết, khiến quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng.

Hiện nay, cả hệ thống chính trị Thành phố Hồ Chí Minh đang dồn sức để thực hiện thành công cơ chế đặc thù nhằm phát triển kinh tế thành phố. Tuy nhiên, cơ chế đặc thù sẽ không phải là "cây đũa thần" nếu ngay trong bộ máy công quyền cơ sở không có tinh thần lăn xả để phục vụ nhân dân.

Xử lý hồ sơ đơn giản hay phức tạp đều do một tay cán bộ, công chức; muốn tìm cách tháo gỡ hay trả hồ sơ về cũng do cán bộ, công chức thụ lý... Khi hồ sơ vướng mắc, nếu cán bộ, công chức có tâm sẽ hướng dẫn và tìm giải pháp, còn vô tâm thì thoái thác và đùn đẩy trách nhiệm dưới vỏ bọc "làm theo quy trình, quy định". Sâu xa hơn, chính đội ngũ cán bộ, công chức sẽ nhận ra bất cập của quy trình để rút ngắn, xóa bỏ những điều kiện vô lý, hành dân, từng bước hướng tới nền hành chính phục vụ.

Khi nào trong bộ máy công quyền còn tồn tại thái độ thờ ơ, vô cảm, mặc kệ, không có trách nhiệm với công việc, với người dân; khi nào còn tồn tại hiện tượng cán bộ đánh trống, ghi tên đủ 8 tiếng ngồi ở cơ quan, đợi nhắc thì làm, hoặc làm cho xong việc, không có tư tưởng đổi mới hay đột phá thì dù có cơ chế đặc thù gì đi chăng nữa cũng không thể đẩy nhanh kinh tế thành phố.

Không phải ngẫu nhiên mà trong các phát biểu, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhắc lại nhiều lần tinh thần "cán bộ phải dám nghĩ, dám làm; lãnh đạo phải dám quyết".

Theo quan điểm của đồng chí Bí thư Thành ủy, khi triển khai Nghị quyết số 98 sẽ không có chỗ cho cán bộ chậm trễ, cầu an, thận trọng quá mức, thiếu trách nhiệm, thiếu tính chiến đấu... như một đội bóng cầu thủ yếu phải thay, thậm chí huấn luyện viên yếu, chỉ đạo viên yếu thì thay luôn. Có như vậy đội bóng mới chiến thắng, bộ máy công quyền mới phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh mới thật sự phát triển.