Khắc phục bất cập do chồng lấn đất rừng với đất ở

27 năm qua, hàng trăm hộ dân xã Ngọc Thanh (thành phố Phúc Yên) không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao đất rừng chồng lấn lên diện tích đất ở của người dân cho Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Đông Bắc Bộ (thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - sau đây gọi là Trung tâm).
0:00 / 0:00
0:00
Một công trình tự ý xây dựng lấn chiếm trên diện tích đất lâm nghiệp.
Một công trình tự ý xây dựng lấn chiếm trên diện tích đất lâm nghiệp.

Trên diện tích đất rừng do Trung tâm quản lý xảy ra nhiều vụ việc vi phạm đất đai, tranh chấp đất rừng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương.

Quản lý đất rừng chưa tốt

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc năm 2018, tổng diện tích đất Trung tâm đang quản lý theo hồ sơ là 1.087,64 ha. Trong đó, phần diện tích thực tế Trung tâm đang trực tiếp quản lý, sử dụng là 734,93 ha. Còn lại là phần diện tích chưa giải phóng mặt bằng để bàn giao cho Trung tâm.

Tháng 1/2023, Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc kết luận có 208 trường hợp vi phạm, xây dựng công trình trên diện tích 229,51 ha đất rừng thuộc quản lý của Trung tâm. Thời gian xây dựng các công trình trong khoảng từ năm 1996 đến nay, chưa có biện pháp xử lý triệt để, thấu đáo.

Kết luận thanh tra chỉ rõ, việc xử lý vi phạm, khắc phục yếu kém trong quản lý đất rừng còn chậm trễ, chưa dứt điểm; có khá nhiều vụ việc tranh chấp về đất rừng chủ yếu giữa các hộ dân xã Ngọc Thanh. Việc giao đất không rõ ràng dẫn đến khó quy chủ khi thực hiện các dự án có thu hồi đất như vụ tranh chấp tại đảo Keo thuộc dự án Khu du lịch sinh thái Đại Lải khu B, đến nay chưa ngã ngũ. Sau giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, còn có nhiều vụ công dân không nhất trí, tiếp tục có đơn thư.

Trong 208 trường hợp nêu trên, có 62 trường hợp sử dụng diện tích 167,87 ha đất rừng tại các thôn Đại Quang, Thanh Cao, Đồng Đầm của xã Ngọc Thanh. Suốt 27 năm qua khu đất này chưa được lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng và người dân vẫn đang sử dụng đất.

Có 61 trường hợp là công dân của xã Ngọc Thanh sử dụng diện tích 40 ha để ở và trồng rừng thời kỳ trước khi UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao đất cho Trung tâm. Bên cạnh đó, có 85 trường hợp nguyên là cán bộ của Trung tâm, được giao khoán bằng hợp đồng sản xuất nông lâm nghiệp từ năm 1992 đến năm 2013, sau khi nghỉ hưu vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng và làm nhà ở sinh sống trên diện tích 21,65 ha đất được giao khoán. Một số hộ đã xây nhà ở hoặc chuyển nhượng, tặng, cho. Đến nay, Trung tâm chưa thanh lý xong các hợp đồng giao khoán.

Tại thôn Đại Quang có nhiều hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó có hộ anh Trịnh Mai Sơn. Chỉ vào vườn vải có nhiều cây đường kính lên đến 60 cm, anh Sơn giãi bày: Thôn Đại Quang đã hình thành từ lâu, nhưng không hiểu sao lại bị khoanh vào diện tích đất rừng. Tôi là con trai ông Trịnh Duy Sinh, làm nhà ở và làm vườn ở đây từ năm 1991. Trong thôn có hộ đã làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có hộ chưa làm được. Chúng tôi đã làm đơn đề nghị chính quyền giải quyết, tách đất ở khỏi đất rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng đến nay vẫn chưa thấy giải quyết.

Phân tích lịch sử đất đai cho thấy, trong tổng số 208 vụ việc tồn tại, vi phạm đất đai được liệt kê, hầu hết các trường hợp vi phạm là các hộ dân đã sinh sống ổn định từ lâu, song do phân định ranh giới đất ở với đất rừng chưa rõ ràng, do chưa thực hiện giải phóng mặt bằng và do quản lý đất rừng chưa tốt, nhiều hộ dân không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Một số ít trường hợp lợi dụng việc giao đất, giao rừng để trồng cây đã xây dựng nhà cửa trái phép. Người dân các thôn đã tổ chức nhiều cuộc họp, có văn bản đề nghị chính quyền trả lại đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.

Khẩn trương đưa ra giải pháp thỏa đáng

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Minh Cường, Giám đốc Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Đông Bắc Bộ cho rằng: Việc bàn giao đất cho Trung tâm từ năm 1996 chưa chính xác, dẫn đến khó khăn trong xác định ranh giới. Đối với diện tích 116,34 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm sau khi được giao từ năm 1996, theo báo cáo của Trung tâm, hiện nay không có phần diện tích này, trước đây đã tổng hợp nhầm lẫn, sai sót. Việc xử lý vi phạm đất đai là trách nhiệm của chính quyền địa phương, song đến nay công tác xử lý chậm trễ. Trung tâm đã báo cáo về hiện trạng sử dụng đất và đang chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chia sẻ với khó khăn của người dân do giao đất rừng chồng lên đất ở, ông Hoàng Quý Cường, Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh đề nghị: Nhiều hộ đã làm nhà ở cách đây mấy chục năm, có nhu cầu về đất ở. Để tạo điều kiện cho người dân sinh sống ổn định, các cơ quan liên quan cần sớm tiến hành đo đạc, giao lại đất cho Trung tâm theo hiện trạng; chuyển đổi những khu vực đất có người ở ổn định từ trước ngày 1/7/2014 từ đất rừng sang đất ở và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân, gồm các hộ nguyên là cán bộ, công nhân viên của Trung tâm.

Trước tình hình đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã báo cáo, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Trung tâm bàn giao phần diện tích 61,63 ha cho tỉnh quản lý (bao gồm 21,63 ha đất một số cán bộ Trung tâm đang sử dụng và 40 ha đất các hộ dân thôn Thanh Cao, thôn Đại Quang đang sử dụng). Tuy nhiên đến nay Trung tâm vẫn chưa phối hợp cùng các cấp, ngành để thiết lập, hoàn thiện hồ sơ, có văn bản bàn giao lại đất.

Đối với phần diện tích 12,77 ha là đất Trung tâm giao cho công đoàn quản lý, sau đó công đoàn giao khoán cho cán bộ Trung tâm thực hiện trồng rừng sản xuất, tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến cụ thể về phương án sử dụng đất, thống nhất bàn giao về cho địa phương quản lý hay tiếp tục giữ lại cho Trung tâm tiếp tục quản lý sử dụng.

Đối với diện tích 161,97 ha đất người dân đang trồng rừng, nếu Trung tâm có nhu cầu sử dụng, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí nguồn kinh phí thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định; nếu không có nhu cầu sử dụng thì thống nhất hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để bàn giao về cho địa phương quản lý.

Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến những vụ việc tồn đọng, vi phạm liên quan đến đất đai, trật tự xây dựng để có hình thức xử lý theo quy định. Hơn lúc nào hết, chính quyền và người dân xã Ngọc Thanh mong mỏi tỉnh Vĩnh Phúc và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm xử lý, khắc phục sự chồng lấn đất rừng với đất ở, đất giao khoán, vi phạm đất đai trên diện tích đất Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Đông Bắc Bộ đang quản lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.