Khắc khoải Bến Hải: Phía trong lòng bờ Nam

NDO -

Từ năm 1956, Ngô Đình Diệm - Tổng thống Việt Nam Cộng hòa từ chối tham gia cuộc tổng tuyển cử hiệp thương thống nhất hai miền, đồng thời tuyên bố khóa tuyến, chặt đứt đường giao thương giữa hai miền qua cầu Hiền Lương. Vào thời điểm ấy, ở phía bờ Nam, một cuộc chiến đấu lặng thầm cũng bắt đầu được dấy lên cùng khát vọng hòa bình, thống nhất non sông cháy bỏng.

Nhân dân vùng Nam vĩ tuyến 17 đấu tranh đòi chính quyền Sài Gòn thi hành Hiệp định Geneve. (Ảnh: Tư liệu Bảo tàng đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải)
Nhân dân vùng Nam vĩ tuyến 17 đấu tranh đòi chính quyền Sài Gòn thi hành Hiệp định Geneve. (Ảnh: Tư liệu Bảo tàng đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải)

Bên kia bờ Hiền Lương…

Ông Nguyễn Quang Liệu khẽ thở dài khi dòng ký ức về những ngày ở bên kia dòng Bến Hải dội về. Sinh ra và lớn lên tại thôn Thủy Bạn (xã Trung Giang, huyện Gio Linh), sau hiệp định Genève, ba ông tập kết ra bắc. 

“Mệ tôi ở lại Trung Giang làm bí thư chi bộ thôn. Ngày chia tay, ba mẹ hẹn nhau sau 2 năm cả gia đình sẽ cùng đoàn tụ”, ông Liệu kể.

Khắc khoải bờ Nam Bến Hải: Phía trong lòng địch -0
Ông Nguyễn Quang Liệu kể lại ký ức về những ngày ở bên kia dòng Bến Hải. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) 

Ngày ấy, ông mới vừa tròn 3 tuổi, chưa kịp nhớ thật kỹ mặt ba nhưng lại… dần quen với cảnh cảnh sát bờ Nam bồng súng đi tuần quanh làng. Lời hẹn ước bên cầu Hiền Lương chưa kịp thành thì toàn bộ tuyến giao thông bị đóng. Liên lạc giữa ba và gia đình cũng hoàn toàn đứt gãy. Từ sau năm 1962, chính quyền miền nam dồn dân vào các ấp chiến lược. Những người nghi là cán bộ đều bị bắt giữ và tra tấn dã man.

Đáng nhớ nhất phải kể đến lần ông buộc phải vượt sông sang bờ Bắc. Kể lại, giọng người cựu binh vẫn còn run run: “Đó là vào một buổi chiều năm 1966, lính ngụy càn vào từ phía biển Cửa Tùng. Lúc này, mệ chỉ kịp đẩy tôi ra mé sông và dặn: “Mi cố vượt tuyến sang bên kia, có ba ở ngoài. Khi mô giải phóng thì quay lại tìm mệ”.

Không kịp nghĩ nhiều, cậu bé 11 tuổi đen nhẻm lao ùm xuống dòng Bến Hải đỏ ngầu, phía sau đã nghe tiếng pháo, tiếng súng nổ đì đùng.

“Lúc nớ, tôi nghĩ mình chết chắc rồi nên buộc chặt chiếc áo đang mang theo vào người để nếu có chuyện xảy ra, mệ vẫn còn nhận ra được”, ông Liệu rùng mình.

Bơi mãi, cuối cùng, ông cũng chạm được vào bờ bắc. Ngoảnh lại, bầu trời phía quê hương xám xịt một màu chia cách. Vào thời điểm ấy, ông không thể ngờ: Chuyến vượt sông lần này cũng là lần cuối ông được nhìn thấy mệ. Bởi chỉ vài năm sau, bà đã vĩnh viễn ra đi khi bị một viên đại liên găm thẳng vào xương chậu… Hai lời hẹn ước của mệ với ba và với người con trai cuối cùng đều không thể trở thành hiện thực.

Chuyện của ông Liệu cũng là câu chuyện chung của hàng trăm, hàng nghìn gia đình đã bị “chia đôi, xẻ nửa” bên cầu Hiền Lương. Cho tới tận bây giờ, những người lớn tuổi vẫn không thể quên cách báo tin đặc biệt xuyên qua đôi bờ cho người thân bên kia vĩ tuyến lửa: Ðầu vấn khăn tang, hai tay úp mặt là báo người thân vừa mới qua đời; hai cánh tay quặt ra phía sau là muốn nói rằng có người vừa bị bắt... 

Ông Lê Viết Trinh (thôn Bách Lộc, xã Trung Hải) năm nay 91 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn, đặc biệt khi nhắc lại chuyện xưa. Ông kể: Trong suốt thời gian từ năm 1954-1972, tổng cộng tại bờ Nam có 7 đời cụm trưởng Cảnh sát của chính quyền miền Nam khi đó. Tất cả đều thi hành triệt để chính sách “chống cộng”, trả thù kháng chiến.

Khắc khoải bờ Nam Bến Hải: Phía trong lòng địch -0
 Ông Lê Viết Trinh (thôn Bách Lộc, xã Trung Hải) năm nay 91 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn, đặc biệt khi nhắc lại chuyện xưa. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

“Chúng dồn dân vào sâu trong làng để thành lập các ‘vùng trắng’ kéo dài khoảng 5 km tính từ bờ sông Bến Hải. Bà con khi ra bến tắm giặt luôn có cảnh sát bờ Nam đi theo. Chúng bắt bà con phải quay lưng về phía bờ Bắc. Thậm chí đi chợ cũng phải che nón, không được nhìn sang đất Vĩnh Linh. Chính quyền miền Nam còn thành lập các liên gia tố cộng với quy mô 5 hộ gia đình kết thành một liên gia. Đi đâu, làm gì, bà con cũng phải báo lại. Những người bị nghi là cán bộ cách mạng thì bị bắt giữ, tra tấn dã man”, ông Trinh nhớ lại.

Nói đoạn, ông xòe đôi bàn tay gày guộc vẫn còn chằng chịt vết sẹo ra cười bảo: Bản thân ông và vợ cũng đã nếm trải cảnh tù đầy.

Khắc khoải bờ Nam Bến Hải: Phía trong lòng địch -0
 Ông Lê Viết Trinh kể lại những miếng đòn tù của địch. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

“Đàn ông thì bị đâm kim châm vào 10 đầu ngón tay, đốt râu, treo lên xà. Phụ nữ thậm chí còn bị lấy cây đâm vào vùng kín rồi rút ra, mang theo máu chảy ròng ròng”, ông Trinh kể lại.

Những "điệp viên" bờ Nam

Đối mặt với rất nhiều khó khăn và thử thách ấy, đồng bào bờ Nam sông Bến Hải vẫn chẳng sờn lòng. Các cuộc đấu tranh cả âm thầm lẫn công khai đã diễn ra liên tục trong suốt những năm chia cách.

Nhớ lại quãng thời gian này, ông Trinh kể tiếp: Năm 1962, ông được giao nhiệm vụ làm trưởng nhóm tình báo nội tuyến thuộc Công an vũ trang khu vực Vĩnh Linh hoạt động ngay trong lòng địch. Tổ “đặc tình quận Trung Lương” có các ông Lê Văn Đệ (anh trai ông Trinh) - ủy viên cảnh sát xã; ông Hoàng Tựu - một học sinh được chính quyền bờ Nam cử đi học chuyên về mật mã, ông Lê Văn Xá - lái xe của quận trưởng Trung Lương.

Với lợi thế “nhập vai”, tổ đặc tình đã cài cắm sâu vào hàng ngũ của địch, hằng ngày thu thập, nắm bắt tin tức. Ông Trinh là mắt xích cuối cùng có nhiệm vụ đánh giá, tổng hợp để gửi tin tức sang bờ Bắc.

Khắc khoải bờ Nam Bến Hải: Phía trong lòng địch -0
Dù lọc cọc chống gậy nhưng ông Trinh hào hứng đưa chúng tôi ra sát bờ sông xem nơi giấu những bức thư liên lạc. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) 

Nói đoạn, ông lão lọc cọc chống gậy dẫn chúng tôi ra mom sông ngay sát hông nhà mình. Ở đó một vẫn còn tảng đá lớn nằm nửa chìm, nửa nổi giữa dòng nước đục ngầu. Đây là nơi cách đây hơn 50 năm, ông Trinh dùng để giấu thư liên lạc của cả tổ. Từ bờ Bắc, đêm đêm, bộ đội ta sẽ bí mật vượt Bến Hải sang “hộp thư bí mật” để nhận tin về. Cũng có những khi đột xuất, ông phải vượt tuyến giữa đêm. Có lần nhiệt độ dưới 10 độ, chạm tới bờ Bắc thì ông cũng tê cóng cả người.

“Trong suốt chừng ấy năm, hộp thư của tổ tôi chưa bao giờ bị lộ”, cựu điệp báo 91 tuổi tự hào, hai mắt như sáng lên.

Khắc khoải bờ Nam Bến Hải: Phía trong lòng địch -0
Tảng đá nằm nửa chìm, nửa nổi giữa dòng nước đục ngầu. Đây là nơi cách đây hơn 50 năm, ông Trinh dùng để giấu thư liên lạc của cả tổ. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) 

Đại tá Nguyễn Thanh Hà, lúc đó là công an vũ trang Vĩnh Linh - người trực tiếp chỉ đạo ông Trinh nhớ lại: “Tổ đặc tình có 2 chiến công hiển hách nhất. Đầu tiên, họ đã phát hiện và vẽ lại bản đồ hàng rào điện tử McNamara từ rất sớm, giúp chúng ta chủ động ứng phó ngay khi bị dồn dân, thiết lập các vành đai trắng. 

Bên cạnh đó, còn phải kể đến việc gây dựng được cơ sở là anh Hoàng Tựu. Cuối năm 1966, khi quân miền Nam chạy ra khỏi giới tuyến đã đưa theo Tựu vào tập trung ở Cam Lộ. Thế nhưng, anh vẫn giữ liên lạc, báo cáo thường xuyên và đem lại rất nhiều tác dụng”.

Khắc khoải bờ Nam Bến Hải: Phía trong lòng địch -0
Đại tá Nguyễn Thanh Hà, lúc đó là công an vũ trang Vĩnh Linh - người trực tiếp chỉ đạo ông Trinh. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) 

Cũng hoạt động trong lĩnh vực điệp báo, ông Tạ Quang Thành - nguyên Trưởng phòng Tình báo, Công an tỉnh Quảng Trị nhớ lại: “Tháng 8/1964, sau thời gian đào tạo, tôi được trở lại giới tuyến, tham gia vào đồn Liên hợp Cửa Tùng. Do đặc thù riêng, tại đồn Liên hợp, cứ mỗi tuần sẽ có 8 cảnh sát bờ Nam sang bờ Bắc để cùng kiểm soát thuyền bè ra, vào sông Bến Hải và tuần sau thì ngược lại. Tôi được giao nhiệm vụ tranh thủ, phân hóa cảnh sát, tạo cơ sở thuận lợi lâu dài về sau”.

Đúng vào thời điểm này, có một đồn phó đang phải… ôn thi tú tài để lên Trung úy. Đi đâu, làm gì, viên cảnh sát cũng kè kè sách vở. Nhận thấy cơ hội, ông Thành ngay lập tức tiếp cận, hỏi han và bày cho viên cảnh sát nọ cách học toán, học văn.

Khắc khoải bờ Nam Bến Hải: Phía trong lòng địch -0
Ông Tạ Quang Thành - nguyên Trưởng phòng Tình báo, Công an tỉnh Quảng Trị được giao nhiệm vụ phân hóa cảnh sát địch. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) 

“Hai tháng sau, viên cảnh sát quay lại Huế thi đỗ tú tài và được thăng lên làm Trung úy. Cũng đúng lúc này, ông ấy đã được chúng ta "tranh thủ thành công". Một năm sau, người này tiếp tục "thăng tiến" khi được đổi vô Bộ Chỉ huy Cảnh sát của chính quyền miền Nam tại Quảng Trị. Ban An ninh tỉnh Quảng Trị lập tức quyết định đưa hẳn tôi vào sâu Đông Hà để thành lập cơ sở, đường dây liên lạc với "thông tin viên đặc biệt" để chuẩn bị sẵn sàng cho chiến dịch giải phóng về sau”, cựu điệp báo kể.

Cũng nhờ đầu mối “gây dựng” từ Bến Hải ấy, các kế hoạch quan trọng của phía bên kia  đều được chuyển ra, từ đó tạo thành lợi thế lớn trên chiến trường, góp phần quan trọng vào chiến dịch Giải phóng Quảng Trị sau này.

(Còn tiếp)

50 năm Hiền Lương - Bến Hải