Ông Stoltenberg nói: “Tôi hoàn toàn nhất trí rằng toàn thể cộng đồng quốc tế, trong đó có Nga và Trung Quốc cần phải nỗ lực ngăn chặn Afghanistan trở thành địa điểm cho các nhóm khủng bố có thể hoạt động tự do cũng như chuẩn bị, tổ chức, lên kế hoạch, tài trợ cho các cuộc tấn công nhằm vào chính các nước chúng ta".
Ông thừa nhận việc Taliban tiếp quản Thủ đô Kabul ngày 15/8 liên quan đến thực tế rằng các đồng minh NATO đã quyết định kết thúc sứ mệnh quân sự ở Afghanistan. Theo ông Stoltenberg, sau hơn 20 năm đầu tư nước ngoài vào an ninh Afghanistan, việc kỳ vọng rằng lực lượng sở tại có thể chống chọi với Taliban trong một thời gian dài hơn là có lý.
Ngày 3/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi đoàn kết các nỗ lực quốc tế về Afghanistan và đưa ra các quyết định chung liên quan việc công nhận các lực lượng chính trị ở quốc gia Tây Nam Á này. Ông Putin nhấn mạnh cần có những nỗ lực tổng hợp để chống lại khủng bố một cách hiệu quả.
Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Vương Văn Bân ngày 31/8 cho biết, tình trạng hỗn loạn ở Afghanistan có liên quan trực tiếp đến việc rút quân đội nước ngoài. Ông bày tỏ hy vọng rằng các quốc gia phương tây nhận ra rằng việc rút quân không có nghĩa là đã hết trách nhiệm, mà nên tiếp tục hỗ trợ kinh tế và nhân đạo cho người dân Afghanistan để giúp họ bước vào con đường phục hồi.
Ngày 5/9, phát biểu với kênh truyền hình Fox News, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley nhận định, Afghanistan "có khả năng" sẽ nổ ra nội chiến, đồng thời cảnh báo rằng những điều kiện đó có thể chứng kiến sự trỗi dậy của các nhóm khủng bố như mạng lưới al-Qaeda, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hay những nhóm khủng bố khác ở quốc gia Tây Nam Á này.
Dù nhấn mạnh rằng không thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo ở Afghanistan, nhưng Tướng Milley cũng cho rằng chủ nghĩa khủng bố ở khu vực có thể trỗi dậy trong 12, 24 và 36 tháng tới.
Trước đó, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh, Mỹ sẽ tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố bằng cách tiến hành các cuộc không kích, thay vì sử dụng các chiến dịch trên bộ.
Tướng Milley cho rằng Mỹ có thể làm điều đó, nhưng sẽ phải tăng cường quan sát, cảnh báo, giám sát, do thám cả khu vực. Ông Milley nhấn mạnh, việc duy trì an ninh và thu thập thông tin tình báo của Mỹ ở khu vực sẽ gặp khó khăn hơn vì Mỹ không còn hiện diện chính thức ở Afghanistan.
Trong khi đó, kênh truyền hình Tolonews cùng ngày đưa tin, hãng hàng không quốc gia Ariana của Afghanistan đã nối lại các chuyến bay nội địa từ Thủ đô Kabul tới các thành phố Herat, Mazar-i-Sharif và Kandahar. Ariana Afghanistan Airlines là hãng hàng không địa phương đầu tiên nối lại các chuyến bay nội địa kể từ khi lực lượng Mỹ hoàn thành việc rút quân vào cuối tháng 8.
Theo Tolonews, một đội kỹ thuật của Qatar đã sẵn sàng giúp nối lại các chuyến bay tại sân bay Kabul. Cách đây vài ngày, một máy bay Qatar chở các quan chức cấp cao và một máy bay khác từ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) chở hàng viện trợ nhân đạo đã hạ cánh xuống sân bay Kabul.