Kêu gọi duy trì Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen

Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 25/2, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: Sáng kiến ngũ cốc Biển Ðen về thúc đẩy xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine đã giúp đưa hơn 20 triệu tấn lương thực trở lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Guterres khẳng định, Liên hợp quốc đang nỗ lực tháo gỡ trở ngại đối với việc xuất khẩu các sản phẩm ngũ cốc và phân bón của Nga. Liên hợp quốc kêu gọi các bên tiếp tục thực hiện và gia hạn hiệu lực sáng kiến này vào tháng 3 tới.
0:00 / 0:00
0:00
Tàu chở ngũ cốc của Ukraine di chuyển tại Eo biển Bosphorus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 7/8/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tàu chở ngũ cốc của Ukraine di chuyển tại Eo biển Bosphorus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 7/8/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại cuộc họp, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các kênh ngoại giao trong tiến trình thiết lập hòa bình lâu dài ở Ukraine. Theo ông Guterres, trong bối cảnh xung đột hiện nay, hợp tác quốc tế là cần thiết, có giá trị và có thể thực hiện được.

Ngày 25/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi Trung Quốc hối thúc Nga dừng chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tuyên bố được đưa ra sau khi Trung Quốc công bố giải pháp hòa bình gồm 12 điểm, trong đó kêu gọi tìm kiếm giải pháp chính trị để chấm dứt xung đột tại Ukraine.

Cùng ngày, hàng chục nghìn người Ðức đã xuống đường kêu gọi ngừng hỗ trợ vũ khí cho Ukraine. Người biểu tình tập trung tại khu vực cổng Brandenburg ở Berlin, kêu gọi Chính phủ Ðức thúc đẩy đàm phán nhằm chấm dứt xung đột và ngừng viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Kết quả khảo sát do Viện Ipsos thực hiện cũng cho thấy, tỷ lệ người dân Italia phản đối việc cung cấp vũ khí cho Ukraine đã tăng từ 42% trong tháng 12/2022 lên 45% vào tháng 2/2023. Khoảng 49% số người được hỏi ý kiến bày tỏ lo ngại về hậu quả kinh tế của cuộc xung đột ở Ukraine.