Theo WHO, 150 quốc gia đã ghi nhận số người hút thuốc giảm. Trong đó, Brazil và Hà Lan đạt được thành công không nhỏ, sau khi triển khai sáng kiến MPOWER tập trung vào sáu biện pháp kiểm soát thuốc lá, gồm giám sát tình hình sử dụng thuốc lá và các chính sách phòng ngừa; bảo vệ người dân khỏi khói thuốc; hỗ trợ cai nghiện thuốc lá; cảnh báo về tác hại của thuốc lá; cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá; tăng thuế thuốc lá. Kết quả là Brazil giảm được 35% lượng người hút thuốc kể từ năm 2010 và Hà Lan tiến gần mục tiêu 30%.
Trong khi đó, Congo, Ai Cập, Indonesia, Jordan, Oman và Moldova vẫn đối mặt tình trạng gia tăng số người sử dụng thuốc lá.
Hiện khu vực Đông Nam Á ghi nhận tỷ lệ số người sử dụng sản phẩm thuốc lá cao nhất, với 26,5% dân số hút thuốc. Vị trí thứ hai là khu vực châu Âu, nơi có 25,3% dân số tiêu thụ thuốc lá dưới nhiều hình thức.
Theo số liệu của WHO, tỷ lệ phụ nữ sử dụng thuốc lá ở khu vực châu Âu cao hơn gấp đôi mức trung bình toàn cầu và đang giảm chậm hơn nhiều so tất cả khu vực khác. Báo cáo cũng cảnh báo, đến năm 2030, khu vực châu Âu có tỷ lệ mắc các bệnh liên quan hút thuốc ở mức cao nhất.
WHO ước tính, đến năm 2025, thế giới sẽ đạt mức giảm sử dụng thuốc lá 25% so với mức của năm 2010, song vẫn thấp hơn mục tiêu giảm 30% đưa ra trước đó. WHO kêu gọi các nước tăng tốc nỗ lực kiểm soát thuốc lá, do vẫn còn nhiều việc cần làm. Giám đốc Bộ phận Xúc tiến Y tế của WHO Ruediger Krech nhấn mạnh, cuộc chiến chống thuốc lá đã đạt được nhiều tiến bộ những năm gần đây, song hiện không phải lúc để tự mãn.
Thống kê của WHO cho thấy, thuốc lá vẫn cướp đi sinh mạng của hơn 8 triệu người mỗi năm, trong đó có tới 1,3 triệu người không hút thuốc, song có tiếp xúc khói thuốc. Báo cáo nêu rõ các quốc gia áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt nhằm kiểm soát thuốc lá có thể phải mất khoảng 30 năm nữa mới có thể chứng kiến sự thay đổi tích cực liên quan số ca tử vong do thuốc lá.
Một điểm đáng chú ý trong báo cáo của WHO cho thấy, trẻ em từ 13 đến 15 tuổi sử dụng các sản phẩm thuốc lá và nicotine ở phần lớn các quốc gia. Theo WHO, các nước cần tập trung vào việc thu thập dữ liệu về tiêu thụ thuốc lá ở đối tượng thanh, thiếu niên, đặc biệt là các sản phẩm không khói thuốc.
Theo tổ chức này, thu thập dữ liệu ở thanh, thiếu niên là biện pháp mạnh mẽ nhất để chống lại ngành thuốc lá và đưa ra các chính sách hiệu quả nhằm ngăn chặn việc bắt đầu sử dụng thuốc lá. WHO cũng kêu gọi các nước tiếp tục áp dụng các chính sách kiểm soát thuốc lá và đấu tranh chống lại “sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá”, nhấn mạnh cách ngành này “lừa dối công chúng” thông qua các nhóm bình phong và bên thứ ba, các sự kiện tài trợ, hay những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội...
Để bảo vệ các thế hệ tương lai và bảo đảm giảm hơn nữa lượng tiêu thụ thuốc lá, WHO dành Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay để bảo vệ trẻ em khỏi ảnh hưởng của ngành công nghiệp thuốc lá. Đại diện các quốc gia cũng tích cực thúc đẩy kế hoạch gặp nhau tại Panama dự phiên họp thứ 10 Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá. WHO sẵn sàng hỗ trợ các nước trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và hành động chống lại sự “can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá”.