Kết quả thư bạn đọc

Báo Nhân Dân phản ánh đơn của các ông Trần Văn Vương, Vũ Văn Chung (trú tại TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) và bà Vũ Thị Thanh Hà (trú tại phường Đa Kao, quận 1, TP Hồ Chí Minh), khiếu nại về những bất hợp lý trong quản lý đất đai, xây dựng tại TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Cụ thể:
Kết quả thư bạn đọc

1- Quy định về xây dựng bất hợp lý: Ngày 28/12/2021, UBND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 56/2021/QĐ-UBND về việc Ban hành Quy chế quản lý kiến trúc TP Hồ Chí Minh. Theo đó, Quyết định số 56 nhằm chỉnh trang bộ mặt đô thị cho đẹp, hiện đại và văn minh hơn, song do thiếu thực tiễn dẫn đến vừa làm khó, làm khổ, gây bức xúc cho người dân và tạo ra những điểm xấu rất khó sửa chữa cho bộ mặt đô thị trong tương lai. Hơn nữa, khi thực hiện Quyết định 56, mỗi nơi lại thực hiện một kiểu, không thống nhất.

2- Khó khăn trong việc tách thửa đất: Ngày 5/12/2017, UBND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 60/2017/QĐ-UBND về việc quy định diện tích tối thiểu được tách thửa. Mặc dù, đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, song Quyết định 60 vẫn "giậm chân tại chỗ", trong khi nhu cầu tách thửa của người dân thành phố là rất lớn. Luật Đất đai chia đất ở thành hai loại là đất ở đô thị và đất ở nông thôn trong khi Quyết định 60 chia đất ở thành nhiều loại, gắn với quy hoạch để cấm công dân thực hiện quyền tách thửa của mình như đất ở thuộc quy hoạch dân cư hiện hữu, hiện hữu chỉnh trang, đất xây dựng mới thấp tầng, cao tầng... khiến hàng nghìn hộ dân bỗng dưng rơi vào quy hoạch treo, muốn tách thửa cho con, cháu xây dựng nhà ở, hoặc mua bán đều không được.

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang áp dụng cấp phép xây dựng có thời hạn (cấp phép tạm thời) đối với đất ở dân cư xây dựng mới. Theo Điều 2 của Quyết định số 26/2017/QĐ-UBND ngày 20/6/2017 của UBND thành phố, đối tượng được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn không phải là đất ở dân cư xây dựng mới. Mặt khác, xây nhà xong nếu có dự án đầu tư tại khu vực đó thì chỉ được đền bù đất, không được đền bù công trình trên đất, khiến nhiều gia đình có đất thuộc đất ở dân cư xây dựng mới gặp rất nhiều khó khăn.

3- Khó khăn trong việc đóng thuế bất động sản: Mặc dù đã thực hiện đúng theo hướng dẫn của ngành thuế, nhưng nhiều tháng nay hồ sơ chuyển nhượng bất động sản tại TP Thủ Đức đều không thể hoàn thiện, dẫn đến tình trạng hồ sơ ùn tắc kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến điều kiện sống của người dân.

4- Nhiều quy hoạch treo: Đất hỗn hợp bị treo nhiều năm, không có quy hoạch chi tiết chức năng sử dụng đất, cho nên người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, bởi vì không biết thửa đất nhà mình trong tương lai sẽ thuộc chức năng sử dụng nào. Nhiều quy hoạch treo, thậm chí treo từ rất lâu không biết bao giờ mới được triển khai. Người dân thì không thể xây dựng nhà ở, hoặc có xây thì cũng chỉ được cấp phép tạm thời. Nhà ở cũ nát cũng chỉ được cải tạo, sửa chữa qua loa, tạm bợ. Đáng chú ý, nhiều nơi có mật độ dân cư đông đúc, người dân đã sinh sống từ lâu, cơ sở hạ tầng cũ nát, xuống cấp nghiêm trọng, khiến việc phòng cháy, chữa cháy rất khó khăn; hệ thống thoát nước không bảo đảm, cứ mưa xuống là ngập, gây khó khăn cho cuộc sống sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân...

Về nội dung này, Báo Nhân Dân vừa nhận được Văn bản trả lời số 1721/BXD-QHKT của Bộ Xây dựng, nội dung chính như sau: Bộ Xây dựng đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo kiểm tra, rà soát các văn bản đã được ban hành; nghiên cứu, giải quyết và trả lời Báo Nhân Dân về các khiếu nại của người dân đã được nêu. Kết quả thực hiện đề nghị gửi về Bộ Xây dựng để theo dõi theo quy định.

Báo Nhân Dân nhận được Văn bản trả lời số 343/TTr-TTrXD1 của Thanh tra Bộ Xây dựng, nội dung chính như sau: Thanh tra Bộ Xây dựng nhận được văn bản của Báo Nhân Dân, nội dung phản ánh việc xây dựng trái phép Khu du lịch sinh thái Hoa Bay Phúc Thọ trên đất nông nghiệp tại khu Má Vạn, thôn Hiệp Lộc 3, xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội. Sau khi xem xét nội dung đơn, căn cứ Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 1/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh và quy định của pháp luật, Thanh tra Bộ Xây dựng chuyển văn bản nêu trên đến UBND thành phố Hà Nội để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả giải quyết đến Thanh tra Bộ Xây dựng.

Báo Nhân Dân nhận được Công văn số 342/TTr-KNTC của Thanh tra Bộ Xây dựng trả lời đơn của bà Bạch Quế Hương có nội dung liên quan nhà đất số 61, 63 (nay là số 139, 141, 143 Đinh Tiên Hoàng) và số 21 Quang Trung (nay là 26, 27, 28 Trần Hưng Đạo, TP Hải Phòng). Về việc này Thanh tra Bộ Xây dựng phúc đáp như sau: Bà Bạch Quế Hương là chắt nội của ông Bạch Thái Bưởi có nhiều đơn gửi Bộ Xây dựng nội dung đòi lại nhà đất số 139, 141, 143 Đinh Tiên Hoàng và số 26, 27, 28 Trần Hưng Đạo (TP Hải Phòng), nguyên thuộc sở hữu của ông Bạch Thái Bưởi.

Do vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thành phố Hải Phòng, ngày 22/8/2019, Thanh tra Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 566/TTr-KNTC chuyển đơn của bà Bạch Quế Hương đến UBND thành phố Hải Phòng để giải quyết theo quy định của pháp luật. Ngày 26/2/2021, UBND thành phố Hải Phòng có Văn bản số 1210/UBND-TCD gửi bà Bạch Quế Hương có nội dung: Đơn của bà Bạch Quế Hương thuộc trường hợp không thụ lý giải quyết, vì bà Bạch Quế Hương chưa có tài liệu chứng minh tư cách là người đại diện hợp pháp cho các con, cháu, chắt của cụ Bạch Thái Bưởi thực hiện khiếu nại theo quy định của pháp luật.

Đề nghị bà Bạch Quế Hương cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan để được xem xét, giải quyết. Bà Bạch Quế Hương tiếp tục gửi đơn đến Bộ Xây dựng, ngày 25/10/2021 Bộ Xây dựng có Văn bản số 4374/BXD-TTr đề nghị bà Bạch Quế Hương gửi UBND thành phố Hải Phòng các tài liệu chứng minh là người đại diện hợp pháp thực hiện quyền khiếu nại để được xem xét, giải quyết theo quy định.