Trong hai ngày 7-8/10, tại Hà Nội diễn ra cuộc hội thảo khoa học quốc tế “Kết nối văn hóa, văn minh Ấn Độ - ASEAN” do Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á (VIISAS), Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ - ASEAN (AIC), Viện Thông tin và Nghiên cứu các nước đang phát triển (RIS) tổ chức.
Hội thảo tập trung vào những nội dung chính, như: Các khía cạnh khác nhau của kết nổi văn hóa văn minh Ấn Độ - ASEAN qua các thời kỳ lịch sử, đánh giá thành tựu, ý nghĩa và tác động của quá trình kết nối; Quản lý nhà nước về kết nối văn hóa, văn minh, trong đó nhấn mạnh sự liên hệ giữa văn hóa với hệ tư tưởng và thể chế.
Hội thảo còn làm rõ chiến lược quyền lực mềm dựa trên các giá trị chính trị chung của Ấn Độ và ASEAN cũng như các biện pháp hòa bình để quản lý xung đột và hợp tác kinh tế nhằm đạt được các giải pháp chung.
Các phương hướng hợp tác về văn hóa mà hai bên còn chưa khai phá cũng như cách thức để mở rộng, phát huy những yếu tố mới. Tác động của bối cảnh mới, đặc biệt là của dịch bệnh Covid-19 đến kết nối văn hóa văn minh Ấn Độ - ASEAN.
Qua đó hội thảo đưa ra nhận định về xu hướng phát triển mới của kết nối văn hóa văn minh Ấn Độ - ASEAN, vạch ra lộ trình, nhiệm vụ và giải pháp cho giai doạn kế tiếp.
Ngoài ra, hội thảo cũng đi vào những vấn đề thực tiễn đang cần sự định hướng như: Làm thế nào để quản lý hiệu quả di sản kết nối văn hóa văn minh Ấn Độ - ASEAN; làm thế nào để phát triển mối liên kết này khi hoạt động giao lưu nhân dân phần nào bị đình trệ do dịch bênh Covid-19; hoàn thiện các chương trình hành động, kế hoạch tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa, phát triển các chương trình đào tạo song phương như thế nào?
Hội thảo sẽ là diễn đàn học thuật cởi mở, chuyên nghiệp và thẳng thắn để thảo luận về những cách thức mở rộng và phát huy kết nối văn hóa văn minh giữa Ấn Độ và ASEAN, góp phần củng cố sức mạnh tổng hợp của hai khu vực, thúc đẩy giao lưu văn hóa và ngoại giao nhân dân, thúc đẩy sự hòa hợp, phát triển và thịnh vượng.