Tại hội nghị, đại diện Ngân hàng nhà nước Việt Nam thông tin các chương trình, chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh; các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hành ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 nhưng tín dụng toàn nền kinh tế của cả nước năm 2021 tăng ngay từ đầu năm. 3 tháng đầu năm 2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 3,38%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2021. Ngành ngân hàng tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế; điều hành linh hoạt các giải pháp tín dụng, hướng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, trình Chính phủ ban hành Nghị định về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã; tăng cường phối hợp các địa phương trong cả nước triển khai rộng rãi chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp…
Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: Để góp phần thực hiện Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị, sớm đưa Thanh Hóa thành một cực tăng trưởng mới, các tổ chức tín dụng cần tập trung vốn cho các dự án trọng điểm có tác động lan tỏa cho phát triển kinh tế của tỉnh; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng nhà nước.
Phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng đáp ứng nhu cầu vay vốn hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt, có khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng trên cơ sở rà soát, đơn giản hóa và rút ngắn các quy trình, thủ tục; tham gia triển khai tích cực các chính sách, giải pháp liên quan đến ngành ngân hàng, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng…
Đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phản ánh còn nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận chính sách tín dụng hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất; doanh nghiệp mới thành lập chưa trở thành đối tác của ngân hàng; nhiều hợp tác xã không có cơ sở vật chất, tài sản cố định, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên khó thỏa mãn điều kiện về tài sản bảo đảm để vay vốn ngân hàng. Nhà nước cần quan tâm thực thi hiệu quả các giải pháp bình ổn giá, giảm chi phí đầu vào; tiếp tục kéo dài thời gian cơ cấu nợ cũ, giảm lãi suất vay vốn mới; tiếp tục rà soát, đánh giá cho vay phát triển các ngành, nghề kinh doanh hiệu quả.
Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở Thanh Hóa có nhu cầu tiếp cận thêm các nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế hộ và kiến nghị ngành ngân hàng tiếp tục giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động của ngành ngân hàng…
Tại hội nghị, các tổ chức tín dụng, ngân hàng trao hợp đồng nguyên tắc, cam kết cấp 21.055 tỷ đồng vốn tín dụng cho 12 doanh nghiệp triển khai các dự án lớn trên địa bàn tỉnh.