Hội nghị có sự tham dự của 450 đại biểu đến từ 170 đơn vị, gồm đại diện các nhà nhập khẩu; nhà phân phối; nhà rang xay; sàn thương mại điện tử; các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, cung ứng các mặt hàng nông sản, đặc biệt là cà-phê trong và ngoài nước, các tổ chức kinh tế.
Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023 là hoạt động lần đầu tiên được tổ chức nằm trong khuôn khổ Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023.
Các đại biểu là Đại sứ quán, Tổng lãnh sự và các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài, tổ chức kinh tế quốc tế dự hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023. |
Hiện Đắk Lắk có 213.336ha cà-phê, sản lượng hằng năm đạt trên 526.700 tấn. Từ lâu Đắk Lắk được xem là “thủ phủ” cà-phê của Việt Nam bởi diện tích và sản lượng luôn đứng đầu cả nước. Cà-phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh, là sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội và kim ngạch xuất khẩu hằng năm. Cà-phê ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nhập của đại đa số người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, hiện đa phần các cơ sở chế biến cà-phê của Đắk Lắk hoạt động với quy mô nhỏ, chế biến khô với trang thiết bị máy móc đơn giản. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh và an ninh thế giới gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, giá cả leo thang, kinh tế thế giới lạm phát cao gây ra nhiều khó khăn cho thị trường cà-phê.
Do đó, Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023 nhằm xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, đẩy mạnh xuất khẩu, từ đó góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu cà-phê của tỉnh Đắk Lắk và Việt Nam trong năm 2023 cũng như trong thời gian tới. Đây là dịp để Đắk Lắk quảng bá, kết nối, xúc tiến tiêu thụ cà-phê đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; các sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và OCOP của tỉnh nói riêng và các địa phương nói chung.
Các doanh nghiệp của tỉnh Đắk Lắk kết nối với các đối tác nước ngoài về cung cấp và tiêu thụ cà-phê. |
Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp xuất-nhập khẩu, các địa phương, thương lái có cơ hội tiếp xúc, tăng cường hiểu biết, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy giao lưu và mở rộng hợp tác trong tiêu thụ cà-phê của tỉnh. Từ đó, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ và nhận diện cà-phê Buôn Ma Thuột đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; phát triển sản xuất cà-phê bền vững, nâng cao giá trị, thu nhập và đời sống của người nông dân trồng cà-phê.
Ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Daklak), doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu cà-phê lớn nhất tỉnh Đắk Lắk với doanh số hơn 6.500 tỷ đồng mỗi năm cho biết: “Sau 30 năm đồng hành và phát triển ngành hàng cà-phê Việt Nam, tôi khẳng định đến lúc này chất lượng của cà-phê Việt Nam được đánh giá là ổn định và ngon nhất thế giới. Cà-phê Robusta Việt Nam được tiêu thụ khắp nơi trên thế giới và ví dụ tại thị trường Nhật Bản đã thay dần robusta từ các quốc gia khác bằng Robusta Việt Nam với việc 75% tỷ lệ cà-phê nhập vào Nhật Bản là của Việt Nam”.
Ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Daklak) phát biểu tại hội nghị. |
Đáng tự hào hơn nữa, Việt Nam đã phát triển được thị trường cà-phê đặc sản. Trước đây 10 năm thì gần như không có sự xuất hiện của cà-phê Việt Nam trong các sự kiện của cà-phê đặc sản quốc tế, vì lúc đó chúng ta không có sản phẩm đủ chất lượng. Từ trăn trở đó, Simexco Daklak đã tiên phong, đồng hành cùng bà con nông dân trong 10 năm qua phát triển cà-phê đặc sản Việt Nam với quy trình nghiêm ngặt từ chăm sóc, chế biến, hái đỏ, phơi, bảo quản, bảo đảm giữ hương, vị, giá trị đặc trưng của cà-phê từng vườn, từng vùng...
“Đến với hội nghị kết nối giao thương quốc tế lần này, Simexco Daklak chúng tôi muốn tìm đối tác cung ứng cà-phê chuyên nghiệp cho các nhà rang xay, công ty gia vị trong và ngoài nước, góp phần nâng cao giá trị của cà-phê Đắk Lắk, chung sức xây dựng Buôn Ma Thuột thành điểm đến của cà-phê của thế giới”, ông Lê Đức Huy chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại liên kết toàn cầu thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sự trăn trở của nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến nông sản nói chung và cà-phê nói riêng tại Đắk Lắk nhiều năm qua là làm cách nào để nông sản Đắk Lắk “cất cánh”. Tuy nhiên, chưa có yếu tố phát triển mang tính bền vững. Bộ Công thương cũng như tỉnh Đắk Lắk cần có những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh tập trung nghiên cứu đầu tư chế biến sâu, có sự khác biệt để tạo ra các dòng sản phẩm đa dạng hơn để phục vụ thị trường, nhất là cà-phê, thế mạnh của tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt khi tỉnh Đắk Lắk đang xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà-phê thế giới.
Còn ông Han Tao, Tổng Giám đốc Công ty Hekou Sutao Trading đến từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc cho biết: “Dựa vào lợi thế về vị trí của Cảng Quốc tế Hà Khẩu Vân Nam và Cảng Cốc Lếu của Việt Nam và chính sách Một vành đai Một con đường của đất nước Trung Quốc, chúng tôi đến với hội nghị kết nối giao thông quốc tế năm 2023 do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Bộ Công thương tổ chức với mong muốn tăng cường giao lưu, hợp tác kinh tế thương mại với các doanh nghiệp Việt Nam.
Công ty chúng tôi muốn tìm hiểu thêm về các doanh nghiệp trồng cà-phê và sản xuất các sản phẩm từ cà-phê tại Việt Nam, cũng như các vườn sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh và các nhà máy đóng gói tại Việt Nam. Tăng cường liên lạc và trao đổi, hy vọng thông qua hội nghị này sẽ tìm được đối tác ở Đắk Lắk và Việt Nam cung cấp nguồn cà-phê ổn định cho công ty chúng tôi. Nếu chương trình hợp tác thuận lợi, chúng tôi sẽ ưu tiên xây dựng nhà máy chế biến sâu cà-phê tại Đắk Lắk, góp phần xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk thành điểm đến của cà-phê thế giới như chủ đề của Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần này”.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà phát biểu tại hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023. |
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết, trong khuôn khổ Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023 với mục đích hội nghị sẽ là cầu nối thiết thực cho các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm cà-phê có cơ hội được gặp gỡ các đối tác, các nhà nhập khẩu, các chuỗi cung ứng cà-phê lớn trên toàn cầu từ đó thúc đẩy giao thương, mở rộng hợp tác trong tiêu thụ cà-phê của tỉnh Đắk Lắk nói riêng, Việt Nam nói chung đẩy mạnh tiêu thụ góp phần hiện thực hoá đưa Buôn Ma Thuột là điểm đến của cà-phê thế giới.
Cục trưởng Cục thương mại Bộ Công thương Vũ Bá Phú đánh giá hội nghị kết nối giao thương quốc tế có vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa người mua và người bán, giữa doanh nghiệp xuất khẩu và nhà nhập khẩu cũng như các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. |
Cục trưởng Cục thương mại Bộ Công thương Vũ Bá Phú đánh giá, trong khuôn khổ Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, việc tổ chức Hội nghị kết nối giao thương quốc tế có vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa người mua và người bán, giữa doanh nghiệp xuất khẩu và nhà nhập khẩu cũng như các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Thông qua đó, các doanh nghiệp, các hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk kết nối giao thương với các doanh nghiệp sản sản xuất, kinh doanh cà-phê trong nước và nước ngoài tiếp tục mở rộng thị trường, thâm nhập vào chuỗi cung ứng cà-phê của thế giới, xây dựng vững chắc vị thế cà-phê Buôn Ma Thuột, xứng đáng là thủ phủ cà-phê của Việt Nam và vươn mình trở thành điểm đến của cà-phê thế giới.
Tại Hội nghị, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác về sản xuất, cung ứng các mặt hàng nông sản, đặc biệt là cà-phê.