Kết hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ và tài khóa để kiểm soát lạm phát

NDO -

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, thời gian tới cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 8/6. (Ảnh: KHOA NGUYÊN)
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 8/6. (Ảnh: KHOA NGUYÊN)

Sáng 8/6, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực tài chính. Nhiều đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc chung quanh công tác quản lý giá, mua sắm công và kiểm soát lạm phát.

Đẩy mạnh công tác phân tích, dự báo để có giải pháp bình ổn giá phù hợp

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng làm rõ các giải pháp kiểm soát lạm phát tăng nhanh hiện nay trong bối cảnh nước ta nhập khẩu nhiều, giá xăng tăng cao, việc giải ngân gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế gây áp lực lạm phát.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, thời gian tới cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Đồng thời, theo dõi sát tình hình kinh tế và lạm phát thế giới, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích, dự báo, xây dựng trước các kịch bản, phương án ứng phó đối với từng mặt hàng trong trường hợp giá hàng hóa trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao để điều hành sản xuất trong nước cân đối và điều hành cung-cầu, bình ổn giá phù hợp.

Kết hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ và tài khóa để kiểm soát lạm phát -0
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng giải trình vấn đề kiểm soát lạm phát. (Ảnh: KHOA NGUYÊN) 

Tham gia giải trình tại phiên chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, lạm phát là vấn đề chung của toàn cầu, nền kinh tế của nước ta có độ mở cửa rất lớn, sản xuất trong nước thì phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu các nguyên, nhiên vật liệu từ nước ngoài, nên cũng chịu áp lực của lạm phát.

Hiện nay, Chính phủ cũng đang chỉ đạo rất quyết liệt về vấn đề này. Trong những tháng đầu năm, lạm phát của Việt Nam tăng 2,25%, vẫn đang ở mức kiểm soát được. Qua phân tích, đánh giá, mức tăng này chủ yếu liên quan đến giá hàng hóa thế giới.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong thời gian tới chính sách tiền tệ cũng sẽ phải theo sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ cũng như tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế để đưa ra những biện pháp điều hành phù hợp với thực tiễn, đặc biệt cần kết hợp giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và chính sách kiểm soát giá.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thông qua Ban Chỉ đạo điều hành giá, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành phân tích sát những diễn biến, nguyên nhân của lạm phát để đưa ra những kết hợp chính sách phù hợp.

Điều hành minh bạch, xác định đúng giá khởi điểm trong đấu giá tài sản

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) liên quan chính sách mua sắm công và quản lý hoạt động đấu giá tài sản, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết đã có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Theo đó, việc mua sắm phải đúng định mức, tiêu chuẩn do Nhà nước ban hành, nếu làm trái thì phải chịu hình thức xử lý theo quy định của pháp luật.

Kết hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ và tài khóa để kiểm soát lạm phát -0
 Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Tài chính. (Ảnh: KHOA NGUYÊN)

Về quy chế đấu giá tài sản, Bộ trưởng Tài chính nêu rõ Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ để ban hành. Tuy nhiên, liên quan đến quản lý về tài sản công trong Luật Đấu giá tài sản thì Bộ Tài chính sẽ thực hiện đúng theo chức năng, nhiệm vụ quy định trong Luật.

Theo Bộ trưởng, trong hoạt động đấu giá tài sản, quan trọng nhất là phải điều hành thật minh bạch và xác định đúng giá khởi điểm để tiến hành đấu giá, còn giá thì để thị trường điều tiết. Thí dụ, thẩm quyền quyết định giá khởi điểm đấu giá đất đai thuộc về UBND cấp tỉnh, còn trách nhiệm hướng dẫn thực hiện thuộc về cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các loại giá của các lĩnh vực khác cũng được phân cấp cho các ngành.

Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính có trách nhiệm trong việc giám sát và thực hiện quá trình đấu giá tài sản theo đúng quy định; tuy nhiên, trong thời gian qua, Bộ chưa thực hiện được nhiều về đấu giá tài sản, bởi vì UBND các cấp phụ trách công tác chuẩn bị thực hiện đấu giá, nhưng Trung tâm Đấu giá (Bộ Tư pháp) hoặc công ty đấu giá lại là đơn vị tổ chức triển khai. Khi có vi phạm về mặt pháp luật hình sự thì các cơ quan điều tra sẽ xử lý.

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV