Kéo dài chuỗi chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản

NDO -

Trong năm 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh năm 2010) đạt 3,05% so với năm 2019, tổng sản lượng đạt 8,4 triệu tấn, tăng 1,8%, trong đó sản lượng sản lượng khai thác đạt 3,85 triệu tấn, tăng 2,1%, nuôi trồng đạt 4,56 triệu tấn, tăng 1,5%. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 8,4 tỷ USD. Đây được cho là nỗ lực lớn của ngành thuỷ sản bất chấp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Kéo dài chuỗi chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm được ngành hàng này đặt ra cho những năm tới, Tổng cục trưởng Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Trần Đình Luân đã có cuộc trao đổi với phóng viên, báo chí chung quanh vấn đề này

Tổng cục trưởng Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Trần Đình Luân.
Tổng cục trưởng Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Trần Đình Luân.

PV: Ông có thể chia sẻ về những kết quả đạt được của ngành thủy sản trong năm 2020?

Ông Trần Đình Luân: Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn do đóng cửa biên giới, hàng loạt các nhà hàng ăn nhanh ở những quốc gia nhập khẩu chính bị đóng cửa, vận tải biển bị ngưng trệ, một số đơn hàng bị hủy hoặc lùi thời gian giao hàng, một số khách hàng từ chối thực hiện đơn hàng mới, thiếu hụt lao động tạm thời. Hạn mặn khốc liệt, kéo dài ở đồng bằng sông Cửu Long khiến người nuôi khó thả giống vụ mới, cá đang nuôi bị bệnh, chết; doanh nghiệp chế biến chủ yếu thu mua cá nguyên liệu trong chuỗi liên kết hoặc cá của doanh nghiệp khiến lượng cá tồn trong dân khá cao; hàng tồn trong kho doanh nghiệp khá cao. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản các đối tượng có giá trị kinh tế cao (cá nước lạnh, tôm hùm, ốc hương, …) giảm, do các đối tượng này chủ yếu phục vụ nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong các nhà hàng.

Thời tiết trên biển thời điểm cuối năm không thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản khi liên tục bởi áp thấp nhiệt đới và các cơn bão tại vùng biển miền trung nên ảnh hưởng nhiều đến hoạt động khai thác trên biển. Ủy ban châu Âu tiếp tục duy trì cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản xuất khẩu Việt Nam.

Ngành thủy sản cũng gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh từ các nước như Ấn Độ, Ecuador đều tăng cường nuôi tôm nguyên liệu để cung ứng ra thị trường thế giới; Trung Quốc mở rộng diện tích nuôi cá, tự cung ứng nguồn nhiên liệu trong nước, thậm chí phục vụ xuất khẩu làm tăng khả năng canh tranh với cá tra Việt Nam.  Các rào cản kỹ thuật của một số nước nhập khẩu ảnh hưởng đến sản xuất thủy sản. Bên cạnh đó, Ủy ban châu Âu tiếp tục duy trì cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản xuất khẩu Việt Nam.

Tuy nhiên, ngành thủy sản tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, trung ương, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Bộ trưởng và Thứ trưởng phụ trách cùng với sự vào cuộc của các địa phương, nỗ lực của người dân, các doanh nghiệp, Hội, Hiệp hội… Nhờ vậy, sản xuất thủy sản năm 2020, mặc dù còn nhiều khó khăn, vẫn tiếp tục duy trì.    

Ước năm 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh năm 2010) đạt 3,05% so với năm 2019, tổng sản lượng đạt 8,4 triệu tấn, tăng 1,8%, trong đó sản lượng sản lượng khai thác đạt 3,85 triệu tấn, tăng 2,1%, nuôi trồng đạt 4,56 triệu tấn, tăng 1,5%. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 8,4 tỷ USD.

Tăng trưởng không nhiều nhưng trong bối cảnh hiện tại, chúng ta vẫn duy trì và có tăng trưởng dương. Đây là một trong những điểm rất thành công trong lĩnh vực chỉ đạo điều hành trong lĩnh vực thủy sản trong năm 2020.

PV: Nỗ lực của doanh nghiệp, sự hỗ trợ của các bộ ngành và đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã có tác động như thế nào để ngành thủy sản đạt được con số xuất khẩu 8,4 tỷ USD, thưa ông?

Ông Trần Đình Luân: Tổng cục Thủy sản đã có rất nhiều hoạt động trong công tác chỉ đạo về mùa vụ cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chỉ đạo sản xuất để không bị những luồng thông tin không chính thống làm ảnh hưởng đến người nuôi và chế biến xuất khẩu từ đó giúp người nuôi và người chế biến xuất khẩu ổn định. Với tình hình mới, phân khúc thị trường thay đổi, sản phẩm của người nuôi như thế nào cho phù hợp? Tổng cục Thủy sản đã tổ chức các Hội nghị để bàn với doanh nghiệp và người dân từ đó điều chỉnh kích cỡ thu hoạch, giải vụ, đa dạng hóa các sản phẩm. Các doanh nghiệp chế biến có những thay đổi, tổ chức liên kết chặt chẽ hơn với bà con nông dân để truy xuất nguồn gốc, tính toán thời điểm thả giống, thu hoạch để chủ động nguyên liệu. Cùng với đó, chế biến xuất khẩu đúng với phân khúc thị trường trong bối cảnh giãn cách xã hội bởi dịch Covid-19.

Sự gắn kết giữa doanh nghiệp, người dân, cơ quan quản lý một cách chặt chẽ đã giúp ngành thủy sản đạt được con số xuất khẩu khoảng 8,4 tỷ USD trong năm 2020.

Đối với EVFTA, trước đó, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị, trong đó có Tổng cục Thủy sản trong công tác hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để có sự chuẩn bị đáp ứng các yêu cầu của thị trường khi có EVFTA.

Đáng chú ý, vào tháng 9, tháng 10, tháng 11 sau khi EVFTA đi vào thực thi, thị phần tôm, cá tra, cá ngừ xuất khẩu vào EU đã tăng. Từ đó, tạo hiệu ứng lan tỏa sang các thị trường khác. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thủy sản trong ba tháng này đã tăng lên hai con số, giúp phục hồi kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả năm 2020.

Bên cạnh đó, ngành thủy sản luôn ý thức cơ hội mang lại là một nhưng thách thức là mười. Chính vì thế, đã rất chủ động chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ các quy định của EVFTA để từ đó cùng với địa phương, doanh nghiệp, người dân, hiệp hội, ngành hàng có thể tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA mang lại.

PV: Năm 2021 thách thức vẫn còn rất lớn đối với nhiều ngành kinh tế, xã hội đối với ngành thủy sản ông nhận định như thế nào về vấn đề này và giải pháp đưa ra là gì thưa ông?

Ông Trần Đình Luân: Một tin vui khi trên thế giới bắt đầu có vaccine Covid-19, chúng tôi kỳ vọng khi vaccine khống chế được dịch bệnh, phục hồi kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh hơn.

Bên cạnh đó, vẫn có các kịch bản khi vaccine chưa thích ứng, các biến thể của dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống xã hội, với kết quả điều hành chỉ đạo của năm 2020, chúng tôi tin rằng sẽ tiếp tục cùng với các địa phương, doanh nghiệp tổ chức sản xuất, gắn kết theo chuỗi và định hướng các sản phẩm phục vụ cho phân khúc thị trường là bán lẻ, và các hộ gia đình có thể sử dụng ngay được. Năm 2021, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động để cung cấp nguồn nguyên liệu về thủy sản cho thế giới và duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành thủy sản và phát triển ngành thủy sản bền vững, ổn định.

PV: Năm 2021, ngành thủy sản hướng đến phát triển bền vững, giảm sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng, ngành cũng đặt mục xuất khẩu năm 2021 đạt con số 8,6 tỷ USD, giải pháp để đạt được mục tiêu trên là gì thưa ông?

Ông Trần Đình Luân: Hiện nay, diện tích nuôi trồng có hạn, bên cạnh định hướng phát triển nuôi biển, cùng với đó là định hướng khai thác tiềm năng lợi thế ở biển. Nhu cầu đối với cá biển và thị trường đối với cá biển là rất lớn. Chúng tôi định hướng là ổn định về diện tích, đồng thời ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng khả năng truy xuất nguồn gốc. Cùng với đó, sẽ giảm tác động về môi trường. Đây là ở khâu sản xuất.

Đối với khâu chế biến, bên cạnh các sản phẩm hiện đang có, nhà nước sẽ đầu tư cùng với các doanh nghiệp phát triển những sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng để phục vụ đa dạng hóa đối tượng khách hàng và phân khúc thị trường. Ngoài ra, để kéo dài chuỗi của ngành thủy sản, cần đẩy mạnh chế biến phần còn lại của sản phẩm trong các nhà máy chế biến gồm: da, xương, đầu… Do đó, định hướng ngành thủy sản đặt ra sẽ phát triển giá trị gia tăng không chỉ phục vụ cho ngành thủy sản mà còn mong muốn phục vụ cho ngành thực phẩm, dược phẩm.

Năm 2021, ngành thủy sản đặt mục tiêu diện tích nuôi trồng thủy sản cơ bản giữ ổn định như so với ước thực hiện năm 2020 với tổng diện tích 1,3 triệu ha. Cơ bản duy trì ổn định tổng sản lượng thủy sản, trong đó điều chỉnh giảm dần sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng và triển khai mạnh các giải pháp để tăng giá trị đối với cả sản lượng nuôi và khai thác để tăng giá trị sản xuất đối với với sản phẩm thủy sản, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng. 

Tổng sản lượng thủy sản khoảng 8,5 triệu tấn, bằng 101,1% so với ước thực hiện năm 2020. Trong đó, sản lượng khai thác khoảng 3,61 triệu tấn, bằng 93,6%; sản lượng nuôi trồng 4,9 triệu tấn, bằng 107,4%. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản: khoảng 8,6 tỷ USD, bằng 102,6% so với 2020.