Cơ quan Thống kê Nam Phi (Stats SA) cho biết, kinh tế nước này ghi nhận tăng trưởng 1,2% trong quý II vừa qua, đồng nghĩa với việc nền kinh tế lớn thứ hai châu Phi đang chứng kiến những chuyển biến tích cực. Động lực chính cho sự phục hồi đến từ các lĩnh vực giao thông vận tải, viễn thông, dịch vụ cá nhân và thương mại. Tuy nhiên, Stats SA cảnh báo, tình hình kinh tế quý III năm nay có thể không mấy lạc quan do tình trạng bạo loạn, cướp phá xảy ra hồi đầu tháng 7 tại hai tỉnh Gauteng và KwaZulu-Natal đã khiến ít nhất hơn 40 nghìn doanh nghiệp bị thiệt hại nghiêm trọng.
Kể từ khi Nam Phi bắt đầu thực hiện phong tỏa ở các cấp độ khác nhau từ cuối tháng 3/2020 đến nay, nền kinh tế phát triển ở châu Phi đã ghi nhận mức tăng trưởng dương theo quý. Tuy nhiên, quy mô GDP của nước này vẫn sụt giảm 1,4% so với thời điểm trước đại dịch. Do tác động của Covid-19, kinh tế Nam Phi sụt giảm 7% trong năm 2020, mức giảm cả năm lần đầu trong 11 năm gần đây.
Cuối tháng 8 vừa qua, Stats SA thay đổi phương pháp tính toán số liệu bằng cách thay đổi năm tham chiếu thành 2015 so với mốc 2010, bao gồm các nguồn thông tin mới và tinh chỉnh phân loại các hoạt động để phản ánh tốt hơn cấu trúc của nền kinh tế. Theo cách tính mới này, GDP năm 2020 của Nam Phi tăng thêm hơn 11% so với ước tính trước đó (tương đương 37 tỷ USD) và ở mức 369 tỷ USD.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa mới đây đã thông báo chuyển đất nước xuống chế độ phong tỏa cấp độ 1 - cấp độ thấp nhất, trong bối cảnh diễn biến tình hình dịch Covid-19 ở nước này đang có dấu hiệu khả quan. Theo Tổng thống Ramaphosa, ưu tiên lớn nhất của Nam Phi hiện nay là bảo đảm nền kinh tế phục hồi càng nhanh càng tốt để tạo việc làm và giúp các doanh nghiệp đứng vững trở lại. Trong kế hoạch khôi phục kinh tế sau cuộc khủng hoảng đại dịch, Tổng thống Nam Phi đã đặt vấn đề tạo việc làm là trọng tâm.
Tuy nhiên, Nam Phi vẫn đối mặt nhiều thách thức sau khi xảy ra các cuộc bạo loạn khiến nền kinh tế bị tàn phá nặng nề. Tỷ lệ thất nghiệp ở Nam Phi đã tăng lên mức cao kỷ lục 34,4% trong quý II so với 32,6% của quý I, trong bối cảnh các doanh nghiệp nước này phải cắt giảm nhân sự do các tác động nghiêm trọng của đại dịch đối với hoạt động kinh tế. Đây là tỷ lệ thất nghiệp cao nhất kể từ khi Cơ quan Thống kê Nam Phi bắt đầu thực hiện các cuộc khảo sát lực lượng lao động theo quý vào năm 2008. Như vậy, tổng cộng 7,826 triệu người thất nghiệp ở Nam Phi trong quý II.
Nền kinh tế ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao, làm gia tăng tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng vốn tồn tại dai dẳng trong lòng xã hội Nam Phi. Ngoài ra, tác động của đại dịch Covid-19 cũng khiến thị trường lao động của Nam Phi trở nên bất ổn hơn. Trong bối cảnh đất nước bị chao đảo trong “bão Covid-19” và sau khi xảy ra bạo loạn, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đang nỗ lực ổn định tình hình đất nước.
Ông đã chia sẻ những thông tin về khó khăn mà các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế Nam Phi phải đối mặt, xác định những ưu tiên và giải pháp, tạo đồng thuận và ủng hộ để tái thiết đất nước. Chính phủ Nam Phi cam kết sẽ tiếp tục thực thi Kế hoạch phục hồi và tái thiết kinh tế, huy động nguồn lực và khả năng quốc gia, tăng hiệu quả thực thi chính sách kinh tế, đem lại lợi ích đối với đại bộ phận dân cư, coi đây là “chìa khóa” giải quyết những vấn đề tồn đọng đã cản trở sự phát triển của đất nước.