JICA mong muốn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội thông qua ODA

NDO -

Đó là khẳng định của ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam trong cuộc họp báo giữa kỳ tài khóa 2020 tổ chức sáng 6-10, tại Hà Nội.

JICA mong muốn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội thông qua ODA

Theo ông Akira, trong nửa đầu năm nay, dịch Covid-19 đã đẩy kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng. Việt Nam cũng buộc phải điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra là 6,8% cho năm 2020. Cộng đồng quốc tế đánh giá cao Việt Nam ngăn chặn hiệu quả dịch Covid-19 và sớm mở lại nền kinh tế.

Theo Báo cáo cập nhật triển vọng phát triển châu Á năm 2020 do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 15-9 vừa qua, dự báo kinh tế của nhiều nước sẽ tăng trưởng âm trong năm 2020, nền kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng ở mức 1,8%.

Trước tình hình khó khăn chung toàn cầu, Việt Nam vẫn có một số tín hiệu phục hồi hoạt động kinh tế đáng mừng như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ tháng 8-2020, Việt Nam khai thác trở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ đầu tiên, trong đó có đường bay đi Nhật Bản từ tháng 9.

“Về vốn vay ODA Nhật Bản, Hiệp định vốn vay ODA tài trợ cho “Dự án nâng cao năng lực An ninh biển” đã được ký trong tháng 7, đây là Hiệp định vốn vay ODA đầu tiên Nhật Bản ký với Việt Nam trong vòng ba năm qua. Nhân dịp này, JICA mong muốn tiếp tục chung tay hỗ trợ phát triển hơn nữa các hoạt động kinh tế - xã hội của Việt Nam thông qua ODA”, ông Shimizu Akira khẳng định.

Về lĩnh vực y tế, JICA đã hỗ trợ Việt Nam trong nhiều năm. Đến nay, JICA đã phái cử hơn 2.000 chuyên gia, 140 tình nguyện viên tới làm việc tại Việt Nam và đào tạo khoảng 5.300 học viên Việt Nam. Tổng mức tài trợ của JICA cho các dự án vốn vay và dự án hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực y tế cho đến nay đạt khoảng 77,4 tỷ yên (gần 17 nghìn tỷ đồng). 

Từ tháng 2-2020, JICA viện trợ sinh phẩm cho Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, hỗ trợ biên soạn và in sổ tay “Quy trình thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn”, viện trợ thiết bị y tế như máy ECMO cho Bệnh viện Chợ Rẫy… với tổng trị giá hơn 170 triệu yên (khoảng hơn 37 tỷ đồng),… 

Về đầu tư công, song hành với chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam không để ngưng trệ thi công các công trình công cộng ngay cả trong thời gian giãn cách xã hội, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, JICA vẫn tiếp tục triển khai các dự án xây dựng thuộc nguồn vốn ODA, duy trì việc làm cho các kỹ sư Việt Nam thuộc dự án, góp phần phục hồi nền kinh tế. Đơn cử, đã có khoảng 2.000 lao động tham gia dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Các toa tàu đầu tiên của dự án dự kiến cũng về tới Việt Nam trong tháng này. 

Trong nửa đầu năm, các dự án cơ sở hạ tầng đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA vẫn triển khai đúng tiến độ. Dự án đầu tư xây dựng cầu cạn, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường vành đai 3 TP Hà Nội cũng sẽ được thông xe vào tháng 10. 

Dự án tín dụng ngành giao thông vận tải để cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần thứ hai đã hoàn tất tiến hành cải tạo, xây dựng lại 98 cây cầu yếu trên nhiều tuyến quốc lộ trên phạm vi cả nước vào tháng 7 vừa qua. Các cây cầu tuy nhỏ nhưng đã tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đi lại và góp phần cải thiện đáng kể đời sống của người dân địa phương.

“JICA cam kết hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trên cả hai phương diện phần cứng (xây dựng cơ sở vật chất) và phần mềm (hợp tác kỹ thuật), đóng góp vào công cuộc phát triển của Việt Nam”, ông Shimizu Akira nhấn mạnh.