Có nguồn gốc từ phía tây Đại Tây Dương, loài cua xanh đã sinh sôi nảy nở ở một số địa điểm quanh bờ biển Italia, đặc biệt là đồng bằng sông Po ở phía bắc, nơi các nỗ lực hạn chế số lượng của loài này thông qua các chiến dịch đánh bắt lớn tỏ ra không mấy hiệu quả.
Các chuyên gia cho biết loài cua xanh có thể đã đến Italia thông qua các con tàu biển trên đường vận chuyển hàng hóa, song hiện chưa rõ nguyên nhân tại sao chúng lại sinh sôi nhanh như vậy hoặc liệu có liên quan đến biến đổi khí hậu hay không.
Phát biểu tại cuộc họp báo công bố việc bổ nhiệm ủy viên Enrico Caterino, Bộ trưởng Nông nghiệp Francesco Lollobrigida cho biết, cua xanh đã gây tổn hại đến một số hoạt động kinh tế, nhưng trên hết, loài này có nguy cơ gây hại cho toàn bộ hệ sinh thái biển.
Coldiretti - nhóm bảo vệ lợi ích ngành nông nghiệp của Italia, cũng đại diện cho ngành ngư nghiệp cho biết trong một tuyên bố rằng, cho đến nay, nạn cua xanh xâm hại đã gây thiệt hại khoảng 100 triệu euro, xóa sổ diện tích canh tác ngao lớn ở các vùng phía bắc Veneto và Emilia Romagna.
Theo số liệu của Liên hợp quốc năm 2021, Italia là quốc gia sản xuất ngao lớn nhất châu Âu và lớn thứ 3 thế giới sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Đây cũng là quê hương của món "spaghetti alle vongole" (mì ống với ngao), một món ăn truyền thống của ẩm thực Italia.
Chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni năm ngoái đã dành khoảng 2,9 triệu euro để hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại do loài cua xanh xâm lấn này.
"Đây là một thảm họa. Chúng tôi không còn vùng canh tác nào mà chỉ còn cách tập trung vào đánh bắt cua", Paolo Mancin, người đứng đầu Hợp tác xã ngư dân Polesine cho biết.
Bộ trưởng Môi trường Gilberto Pichetto Fratin bày tỏ lo ngại rằng, loài động vật ăn thịt này có thể tràn sang các vùng khác của Italia từ phía đông Biển Adriatic, nơi có nhiệt độ nước cao hơn mức trung bình trong những tuần gần đây.
"Mục tiêu của chúng tôi là giảm sự hiện diện của loài cua xanh ở Biển Adriatic và tránh lây lan rộng rãi sang các khu vực khác", ông Fratin nói với các phóng viên.