Bộ trưởng Văn hóa Italia Dario Franceschini thông báo trên Twitter: "Cuối cùng tất cả hoạt động văn hóa sẽ quay trở lại đời sống".
Theo Reuters, kể từ ngày 11/10 tới, các rạp chiếu phim, nhà hát và phòng hòa nhạc sẽ được phép lấp đầy tất cả chỗ ngồi, thay vì hoạt động 50% công suất như hiện nay. Sức chứa tối đa của các nhà thi đấu thể thao sẽ được nâng từ 35% lên 60% đối với địa điểm trong nhà và từ 50% lên 75% đối với địa điểm ngoài trời.
Chính phủ Italia cũng cho phép các vũ trường và hộp đêm được mở cửa trở lại lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát, nhưng hạn chế số lượng khách ở mức 50% trong nhà và 70% ngoài trời. Số lượng khách tham quan viện bảo tàng không bị giới hạn, nhưng du khách phải tuân thủ các quy định giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, chỉ những người có "thẻ xanh", chứng chỉ cho thấy người sở hữu đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ hoặc hồi phục sau khi mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng, mới được phép tham dự các sự kiện văn hóa, thể thao và họ vẫn bắt buộc phải đeo khẩu trang.
Ngày 7/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định yêu cầu tiêm chủng bắt buộc đã trở thành cần thiết và là một công cụ hiệu quả nhằm chấm dứt đại dịch Covid-19.
Trong bài phát biểu khi tới thăm bang Illinois nhằm thúc đẩy việc thực hiện các quy định bắt buộc tiêm chủng cũng như giải thích lý do Nhà trắng phải quyết liệt đối với nhiệm vụ này, Tổng thống Biden khẳng định: “Những yêu cầu này đã cho thấy tác dụng”. Ông đồng thời cho biết quy định tiêm chủng bắt buộc mà ông đưa ra đã khuyến khích các doanh nghiệp cảm thấy họ có thể đến và yêu cầu nhân viên của họ điều tương tự. Chính vì vậy, hiện có thêm nhiều người được tiêm chủng cũng như được cứu sống.
Một phân tích của Nhà trắng được công bố trước chuyến đi của Tổng thống Biden cho thấy tỷ lệ tiêm chủng đã tăng hơn 20% ở các công ty, cơ sở giáo dục, hệ thống y tế và các cơ quan khu vực công yêu cầu nhân viên đi tiêm chủng. Nhà trắng cũng tiếp tục ghi nhận kết quả của việc yêu cầu tiêm chủng bắt buộc khi đa số người chưa được tiêm phòng đã giảm 1/3 so với thời điểm ông Biden công bố chính sách chứng nhận tiêm vaccine cho nhân viên liên bang.
Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận, nhiều người dân Mỹ bày tỏ ủng hộ yêu cầu tiêm vaccine. Một cuộc thăm dò của Axios-Ipsos vào tháng trước cho thấy 60% người Mỹ được hỏi cho biết ủng hộ yêu cầu tiêm phòng bắt buộc của Nhà trắng, trong khi kết quả cuộc thăm dò của Fox News cho thấy đa số ủng hộ các yêu cầu tiêm vaccine cho giáo viên, nhân viên chính phủ liên bang và nhân viên kinh doanh.
Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết chính phủ nước này đang chuẩn bị lộ trình “bình thường mới” để triển khai khi đạt được miễn dịch cộng đồng với Covid-19.
Trong một tuyên bố ngày 7/10, Bộ trưởng Airlangga nhấn mạnh: “Các điều kiện tiên quyết bao gồm đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, tiêm chủng được thúc đẩy với 2,5 triệu liều mỗi ngày và số ca mắc mới dưới 5.000 ca/ngày”.
Theo ông Airlangga, chiến lược chống Covid-19 của Indonesia - trong đó nhấn mạnh việc xử lý ở cả gốc và ngọn - đã chứng minh được hiệu quả, thể hiện qua hệ số lây truyền (Rt) ở mức 0,60, thấp hơn nhiều so với trung bình toàn cầu và Rt của các nước khác. Điều này cho thấy Indonesia là một trong những nước tốt nhất trong việc xử lý Covid-19.
Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đánh giá cao thành tích tiêm chủng tại Indonesia với hơn 100 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 đã được cung cấp tính đến nay. Với kết quả này, Indonesia hiện đứng thứ 5 thế giới về số người được tiêm liều thứ nhất và thứ 6 về tổng số liều vaccine đã được tiêm. Tuy nhiên, Bộ trưởng Airlangga cũng nhắc nhở người dân tiếp tục nâng cao cảnh giác để có thể duy trì thành tích chống Covid-19 hiện nay, qua đó nhanh chóng chuyển từ giai đoạn đại dịch sang giai đoạn bệnh đặc hữu.