Hai phần tử IS đã tấn công liều chết vào nhà máy điện al-Debis, cách Kirkuk khoảng 35 km về phía đông bắc, làm ít nhất 18 nhân viên an ninh và công nhân nhà máy, trong đó có cả công dân Iran, thiệt mạng. Lực lượng an ninh sau đó đã tiêu diệt những kẻ tấn công và tình hình tại đây đã được kiểm soát, hãng thông tấn Tân Hoa xã dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết.
Bộ Ngoại giao Iran xác nhận, bốn kỹ thuật viên Iran đã thiệt mạng cùng ba kỹ thuật viên khác bị thương trong vụ tấn công tại nhà máy điện trên. Hiện nước này đang lên kế hoạch hồi hương khoảng 80 kỹ thuật viên và kỹ sư Iran đang làm việc tại Kirkuk.
Trước đó, hàng chục tay súng IS mang áo cài thuốc nổ đã tấn công nhiều mục tiêu trong thành phố Kirkuk bao gồm đồn cảnh sát, tòa nhà của lực lượng an ninh người Kurd, các tòa nhà chính quyền và một thánh đường Hồi giáo.
Sau các cuộc đụng độ ác liệt với lực lượng an ninh, những kẻ tấn công đã chiếm giữ nhiều tòa nhà tại khu vực phía nam và trung tâm của thành phố, trong đó có một trụ sở cảnh sát. Lực lượng an ninh người Kurd từ các tỉnh Sulaimaniyah và Arbil gần đó đã được tăng cường tới Kirkuk.
Đến cuối ngày hôm qua, các lực lượng an ninh tại Kirkuk đã giành lại quyền kiểm soát một số tòa nhà trong khu vực lân cận, bao gồm Tis'in, Wasiti, Wahid Huzairan và al-Askari. Các cuộc đụng độ vẫn tiếp tục diễn ra đêm qua ở khu vực Domiz phía nam Kirkuk và Raas al-Jeser ở trung tâm thành phố.
Ba tay súng IS đã bị tiêu diệt tại một tòa nhà ở khu phố Wahid Huzairan. Khoảng 20 dân thường bị bắt làm con tin tại đây cũng được giải thoát.
Nguồn tin trên không đưa ra con số chính xác về thương vong do các vụ đụng độ vẫn đang tiếp diễn, nhưng cho biết có ít nhất 13 nhân viên an ninh thiệt mạng và 37 người khác bị thương, trong khi hơn 14 tay súng IS đã bị tiêu diệt, trong đó có sáu tên cho nổ tung thân mình với chất nổ mang theo.
Ngoài ra, một phóng viên Iraq làm việc cho kênh truyền hình địa phương Turkmeneli cũng thiệt mạng trong một vụ đụng độ giữa IS và lực lượng an ninh ở trung tâm Kirkuk.
Trong một tuyên bố phát trên mạng, IS đã nhận trách nhiệm thực hiện loạt vụ tấn công liều chết kể trên. Nhà chức trách địa phương ngay sau đó đã ban hành một lệnh giới nghiêm và chặn các lối ra vào của thành phố. Cảnh sát và lực lượng an ninh người Kurd cũng được triển khai bên ngoài các tòa nhà chính quyền và các đường phố chính.
Trung tướng Talib Shaghati, người đứng đầu Lượng đặc nhiệm Iraq cho biết, những kẻ tấn công ở Kirkuk đến từ bên ngoài thành phố.
Cùng ngày, tại thị trấn Mutasim thuộc tỉnh miền trung Salahudin, hai kẻ đánh bom tự sát đã kích nổ áo khoác chứa bom của mình tại nhà riêng của Sheikh Adnan al-bazi, thủ lĩnh lực lượng bán vũ trang các bộ tộc dòng Hồi giáo Sunni. Vụ tấn công đã làm ba người thiệt mạng. Bazi và một số thành viên gia đình nằm trong số 15 người bị thương.
Hiện vẫn chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công ở Mutasim, nhưng IS trong hầu hết các trường hợp đã thừa nhận thực hiện các vụ tấn công liều chết nhắm vào các mục tiêu là quan chức chính phủ và lực lượng an ninh Iraq, cũng như các khu vực đông đúc trên khắp đất nước.
Loạt vụ tấn công ở Kirkuk do IS đứng đằng sau diễn ra trong bối cảnh lực lượng an ninh Iraq được hỗ trợ bởi liên minh quân sự quốc tế đã có những bước tiến quan trọng trong chiến dịch tổng tấn công nhằm đẩy lùi các tay súng thuộc tổ chức khủng bố này khỏi “thành trì” lớn cuối cùng tại Mosul, miền bắc Iraq.
Trong ngày hôm qua, lực lượng an ninh Iraq và đơn vị bán quân sự đồng minh dòng Hồi giáo Shiite Hashd Shaabi tiếp tục các bước tiến ở phía nam Mosul và chiếm lại ba ngôi làng tại đây. Một nguồn tin an ninh từ Bộ chỉ huy các chiến dịch giải phóng Nineveh cho biết, các lực lượng này đang đẩy mạnh tấn công về phía bắc đến thị trấn Shoura, cách Mosul 30km về phía nam.
Cùng với đó, các hoạt động quân sự lớn cũng đang được tiến hành ở khu vực đồng bằng Nineveh ở phía đông và đông bắc Mosul, thủ phủ tỉnh Nineveh.
Theo Liên hợp quốc (LHQ), chiến sự ở Mosul có thể kéo theo một hoạt động cứu trợ nhân đạo lớn nhất thế giới, với khoảng một triệu người được dự báo sẽ buộc phải sơ tán khỏi thành phố này trong trường hợp xấu nhất. Theo ước tính, còn khoảng 1,5 triệu dân thường được cho là vẫn còn mắc kẹt trong Mosul.
Thông tin đưa ra hôm 22-10 bởi Văn phòng Cao ủy LHQ về nhân quyền cho biết, IS đang sử dụng dân thường làm “lá chắn sống”. IS đã buộc khoảng 200 gia đình rời khỏi làng Samalia đến Mosul vào ngày 17-10 và khoảng 350 gia đình khác cùng ngày cũng bị IS cưỡng ép phải rời bỏ làng Najafia gần Nimroud để tới Mosul.
Hoạt động này cho thấy rõ ràng IS đang cố gắng ngăn chặn người dân tìm đến các khu vực kiểm soát bởi lực lượng an ninh Iraq, Cao ủy LHQ về nhân quyền nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm cơ quan này đang xem xét các báo cáo cho rằng ít nhất 40 dân thường đã bị IS sát hại trong một ngôi làng ở ngoại ô Mosul.
Kêu gọi các bên liên quan trong chiến dịch quân sự tái chiếm Mosul đảm bảo an toàn cho thường dân, Cao ủy LHQ về nhân quyền, ông Zeid Ra'ad Al Hussein cũng cảnh báo, các nạn nhân là phụ nữ và trẻ em đang bị giam giữ bởi IS, đặc biệt là những người từ các cộng đồng thiểu số, sẽ có nguy cơ cao bị IS đưa ra làm “lá chắn sống” khi các lực lượng Iraq tăng cường tấn công vào Mosul.
"Một nguy cơ nghiêm trọng đang thực sự hiện hữu khi IS có thể sẽ không chỉ sử dụng những người dễ bị tổn thương làm lá chắn sống mà còn sát hại họ hơn là chứng kiến họ được cứu thoát", ông Al Hussein nói.
Theo Tổ chức Di cư quốc tế, cho đến nay, các cuộc giao tranh đã buộc khoảng 5.640 người ở các vùng lân cận Mosul phải rời bỏ nhà cửa để đi lánh nạn.
Trăng lưỡi liềm đỏ Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông báo, tổ chức này đã cung cấp thực phẩm và viện trợ nhân đạo tới các vùng ở miền bắc Iraq cho khoảng 10 nghìn người phải di dời do chiến sự ở Mosul.