Iran xây dựng các mối quan hệ mới với châu Phi

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi (E.Rai-xi) đã có chuyến công du châu Phi trong nỗ lực ngoại giao nhằm xây dựng các mối quan hệ liên minh mới. Với các điểm dừng chân là Kenya, Uganda và Zimbabwe, chuyến công du đầu tiên của một Tổng thống Iran tới châu Phi trong 11 năm qua là bước ngoặt mới, thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa Iran với các nước châu Phi.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Iran E.Raisi thăm Uganda. (Ảnh CHIMPREPORTS)
Tổng thống Iran E.Raisi thăm Uganda. (Ảnh CHIMPREPORTS)

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã nhận được sự đón tiếp trọng thị của những người đồng cấp ba quốc gia châu Phi. Đây là chuyến công du châu Phi đầu tiên của một Tổng thống Iran trong hơn một thập kỷ qua, cho thấy nỗ lực đa dạng hóa quan hệ thương mại trong bối cảnh Iran đang chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh phương Tây.

Tại Kenya, các bộ trưởng hai nước đã ký 5 biên bản ghi nhớ (MOU) liên quan đến công nghệ thông tin, đánh bắt hải sản, sản phẩm chăn nuôi và thúc đẩy đầu tư. Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp người đồng cấp Kenya William Ruto (U.Ru-tô), Tổng thống Raisi đã bày tỏ mong muốn tăng cường các quan hệ thương mại với các nước châu Phi. Về phần mình, Tổng thống Ruto mong muốn Iran tăng nhập khẩu các sản phẩm của Kenya như trà, thịt và nông sản, đồng thời tạo điều kiện để hàng hóa của Kenya qua Iran đến các quốc gia Trung Á.

Tại Uganda, Tổng thống Raisi đã ký 4 thỏa thuận với người đồng cấp Yoweri Museveni (Y.Mu-xê-vê-ni), đồng thời khẳng định Iran sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng các nhà máy lọc dầu. Theo ước tính của Bộ Ngoại giao Iran, kim ngạch thương mại của nước này với các nước châu Phi sẽ tăng lên hơn 2 tỷ USD trong năm 2023.

Trong các chuyến thăm, phái đoàn Iran đã ký kết hơn 20 thỏa thuận với 3 nước nhằm mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Theo đánh giá của Tổng thống Raisi, việc cải thiện quan hệ với 3 quốc gia nói trên sẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế và khu vực của Iran, đồng thời củng cố lập trường chung trong việc phản đối chủ nghĩa đơn phương.

Iran đã tăng cường quan hệ ngoại giao với các nước đang phát triển, sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (Đ.Trăm) rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) vào năm 2018 và tái áp đặt trừng phạt chống Tehran. Iran đã tăng cường hoạt động ngoại giao trong những tháng gần đây nhằm giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Vào ngày 8/7 vừa qua, Tổng thống Raisi đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Algeria Ahmed Attaf (A.A-táp) nhằm thúc đẩy quan hệ với Algeria. Iran đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Hồi tháng 3, Iran đã nhất trí nối lại quan hệ với Saudi Arabia theo thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian. Tehran cũng đang nỗ lực thiết lập lại quan hệ với các nước khác trong khu vực, gồm Ai Cập và Maroc.

Ngay trước chuyến công du châu Phi, Tổng thống Raisi đã thăm các nước Mỹ Latin nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với các nước cũng đang chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.

Nhà lãnh đạo Iran khẳng định, việc tăng cường quan hệ với ba nước châu Phi dựa trên lập trường chính trị chung giữa Tehran và ba quốc gia này. Sau chuyến thăm, Văn phòng Tổng thống Iran ra tuyên bố cho biết, chuyến công du 3 nước châu Phi gần đây của Tổng thống Ebrahim Raisi đã góp phần thúc đẩy chiều sâu chiến lược trong các mối quan hệ song phương.

Thông báo của Văn phòng Tổng thống Iran nêu rõ, trong phát biểu sau chuyến thăm tới Kenya, Uganda và Zimbabwe, Tổng thống Raisi khẳng định Iran và các đối tác châu Phi đã nhất trí mở rộng quan hệ song phương, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và thương mại.

Cũng theo lời của nhà lãnh đạo Iran, trong khuôn khổ chuyến thăm, ông và phái đoàn tháp tùng đã tìm được nguồn cung ứng hàng hóa cơ bản và nguyên liệu thô với giá cả hợp lý để bảo đảm an ninh lương thực cho Iran, đồng thời tìm kiếm thị trường mới cho các sản phẩm đầu ra của Tehran, đặc biệt là những mặt hàng có chứa hàm lượng chất xám cao.

Không chỉ thế, chuyến công du tới 3 nước châu Phi của ông Raisi còn mở nhiều cơ hội tiềm năng của Iran trong việc triển khai các dự án bên ngoài lãnh thổ. Việc Iran thành lập các Văn phòng khoa học và công nghệ ở 3 nước ông Raisi tới thăm sẽ góp phần hiệu quả vào việc mở rộng và tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực này.

Giới chức Tehran khẳng định chuyến thăm châu Phi của Tổng thống Raisi là "một sự khởi đầu mới" trong quan hệ với châu lục này. Trong bối cảnh hiện nay, khi Tehran đang tìm cách đa dạng hóa quan hệ thương mại với các nước nhằm khai thác các tiềm năng hợp tác để phục hồi kinh tế sau nhiều năm chịu ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt, việc thúc đẩy quan hệ với các nước châu Phi đem lại cho Iran những cơ hội mới để phát triển.