Iran củng cố vị thế quốc gia dầu mỏ và khí đốt

Người đứng đầu cơ quan hải quan Iran Mohammad Rezvanifar cho biết, kim ngạch xuất khẩu dầu thô của nước này đạt 35 tỷ USD trong 12 tháng (tính đến cuối tháng 3 vừa qua). Bộ Dầu mỏ và Doanh nghiệp Iran đã ký các thỏa thuận trị giá 13 tỷ USD với các công ty trong nước nhằm tăng sản lượng dầu thêm 350.000 thùng mỗi ngày. Đây là những hợp đồng dầu mỏ lớn nhất trong thập niên qua của Iran, mở ra cơ hội để Iran tham gia trở lại thị trường xuất khẩu “vàng đen” và củng cố vị thế của một quốc gia dầu mỏ và khí đốt.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy khai thác khí đốt ở Asaluyeh của Iran. (Ảnh Al Mayadeen English)
Nhà máy khai thác khí đốt ở Asaluyeh của Iran. (Ảnh Al Mayadeen English)

Ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran từng bị giáng một đòn nặng nề khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này, đặc biệt đối với hoạt động khai thác dầu mỏ. Trước khi bị áp đặt các lệnh trừng phạt, Iran đã xuất khẩu khoảng 2,8 triệu thùng dầu/ngày. Việc các công ty nước ngoài phải rời nước này bởi lệnh trừng phạt của phương Tây khiến ngành dầu mỏ Iran chịu ảnh hưởng nặng nề. Là một thành viên thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), song việc xuất khẩu dầu mỏ của Iran gặp nhiều khó khăn do các biện pháp trừng phạt, buộc nước này phải tìm cách xuất khẩu dầu mỏ thông qua các kênh khác nhau.

Theo thống kê của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Iran là nước sản xuất dầu thô lớn thứ 7 thế giới trong năm 2022. Iran cũng có trữ lượng dầu đã được chứng minh lớn thứ 3 thế giới, sau Venezuela và Saudi Arabia. Những năm gần đây, Iran đã tập trung đầu tư để tăng sản lượng khai thác với mục tiêu phục hồi mạnh mẽ ngành dầu khí. Bất chấp những lệnh trừng phạt, Iran vẫn đạt sản lượng dầu ở mức 3,45 triệu thùng/ngày. Tháng 10/2023, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Javad Owji cho biết, sản lượng dầu của nước này có thể đạt 3,6 triệu thùng/ngày vào cuối năm theo lịch Iran (tức ngày 19/3/2024 theo dương lịch), đồng thời nhận định sản lượng sẽ đạt 4 triệu thùng/ngày trong năm tiếp theo. Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Javad Owji cũng xác nhận Iran không còn khí ngưng tụ lưu trữ ngoài khơi nhờ vào việc tăng cường xuất khẩu sản phẩm này.

Nhằm tăng cường sản xuất dầu mỏ trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây, Bộ Dầu mỏ và Doanh nghiệp Iran đã ký các thỏa thuận trị giá 13 tỷ USD với các công ty trong nước. Các thỏa thuận mới sẽ giúp tăng sản lượng tại 6 mỏ chính của nước này thêm 350.000 thùng dầu mỗi ngày. Iran khẳng định quyết tâm “dựa vào chuyên môn trong nước” để thúc đẩy sản xuất tại các mỏ phía tây và tây nam, bao gồm Azadegan ở tỉnh Khuzestan, giáp biên giới với Iraq.

Ngoài ra, các hợp đồng phát triển Masjed Soleyman - mỏ dầu lâu đời nhất của Iran ở Khuzestan, cũng đã được ký kết. Giếng số 1 ở Masjed Soleyman là giếng cổ nhất ở Trung Đông, được khai thác lần đầu năm 1908. Chính phủ Iran cũng đã trao hợp đồng trị giá 20 tỷ USD cho các công ty trong nước để tăng sản lượng khí đốt ở mỏ ngoài khơi South Pars ở vùng Vịnh mà nước này và Qatar đồng sở hữu.

Năm ngoái, nhờ gia tăng sản lượng, Iran đã vượt mục tiêu về xuất khẩu dầu khí đề ra. Sản lượng dầu thô của Iran đã tăng lên khoảng 3,4 triệu thùng/ngày. Iran cũng sản xuất khoảng 700.000 đến 800.000 thùng khí ngưng tụ hằng ngày. Nhờ mức gia tăng này, xuất khẩu dầu thô của Iran đã vượt qua mục tiêu đề ra của chính phủ là 1,4 triệu thùng/ngày. Iran có kế hoạch tăng sản lượng dầu thô để xuất khẩu khi không có bất kỳ sự “bật đèn xanh” nào từ Mỹ cho hoạt động xuất khẩu mặt hàng này. Số liệu của các nhà tư vấn và công ty theo dõi các chuyến tàu chở dầu cho thấy sản lượng và xuất khẩu dầu của Iran tăng vọt trong những tháng gần đây.

Trong khi đó, là quốc gia có trữ lượng khí đốt lớn thứ hai thế giới, Iran đẩy mạnh hợp tác với các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga để tăng cường xuất khẩu khí đốt. Tại Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt (GECF) gần đây, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã mời các nhà đầu tư quốc tế và các quốc gia thành viên GECF tham gia các dự án năng lượng của Tehran. Tổng thống Raisi nêu rõ, Iran hoan nghênh các thành viên GECF bắt đầu hợp tác có hệ thống trong việc đầu tư chung nhằm trao đổi thông tin và kinh nghiệm về khai thác, chế biến, chuyển giao, thương mại khí đốt và các công nghệ liên quan.

Bên cạnh đó, Tổng thống Raisi nhấn mạnh, với trữ lượng khí đốt tự nhiên khổng lồ, vị trí địa lý thuận lợi để vận chuyển khí đốt và năng lực công nghệ tiên tiến, Iran sẵn sàng trở thành một trung tâm năng lượng và một tuyến đường an toàn để phân phối và chuyển giao khí đốt giữa các nhà sản xuất và thị trường mục tiêu của họ.