Iran chỉ ra rào cản chính với nỗ lực hồi sinh thỏa thuận hạt nhân

NDO -

Một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Iran cho rằng, việc Mỹ lưỡng lự dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran là rào cản chính đối với nỗ lực hồi sinh thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), ký kết năm 2015. 

Một vòng đàm phán về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran diễn ra tại Vienna, Áo. (Ảnh: Reuters)
Một vòng đàm phán về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran diễn ra tại Vienna, Áo. (Ảnh: Reuters)

Hãng thông tấn Tasnim dẫn lời quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Iran nêu rõ: "Rõ ràng việc Washington do dự trong việc dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt là thách thức chính đối với tiến trình của cuộc đàm phán. Chúng tôi tin rằng một thỏa thuận có thể đạt được nếu chính phủ Mỹ từ bỏ chiến dịch gây áp lực tối đa và các bên châu Âu thể hiện sự linh hoạt và ý chí chính trị nghiêm túc trong các cuộc đàm phán”.

Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran Ali Bagheri Kani cho biết, Tehran đã gửi hai đề xuất dự thảo cho các bên còn lại trong các cuộc thảo luận tại Vienna (Áo), trong đó một dự thảo về việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt và một về các hạn chế hạt nhân. Tehran cho biết thêm, sẽ đưa ra đề xuất dự thảo thứ ba về "cơ chế, thời gian xác minh và các vấn đề liên quan việc nhận được các bảo đảm để ngăn chặn Mỹ tái rút khỏi thỏa thuận hạt nhân".

Trong khi đó, theo Reuters, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cho biết, Mỹ sẽ không để Iran kéo dài quá trình đàm phán trong khi tiếp tục thúc đẩy chương trình hạt nhân của mình và Washington sẽ theo đuổi “các lựa chọn khác” nếu ngoại giao thất bại.

Theo Tasnim, quan chức Iran nhấn mạnh: “Trái ngược với nhận xét của các quan chức Mỹ, tôi tin rằng nếu các bên còn lại có thiện chí và dừng trò đổ lỗi vô ích, một thỏa thuận sẽ nằm trong tầm tay”.

Các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn JCPOA dự kiến được nối lại trong vài ngày tới tại Vienna (Áo), sau khi bị hoãn hôm 3/12. Tham dự vòng đàm phán mới có các đại diện từ Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức. Phái đoàn Mỹ tham dự gián tiếp thông qua sự trung gian của Liên minh châu Âu (EU).