INTERPOL Việt Nam: Những chiến công thầm lặng

Các lực lượng vũ trang diễn tập chống khủng bố tại Hà Nội tháng 12-2005.
Các lực lượng vũ trang diễn tập chống khủng bố tại Hà Nội tháng 12-2005.

Xuân Bính Tuất 2006, đối với lực lượng Công an Việt Nam là mốc thời gian đánh dấu 15 năm chính thức gia nhập tổ chức Cảnh sát Interpol quốc tế. Khoảng thời gian đó, thế giới và các nước trong khu vực đã luôn bị đe dọa bởi những vụ khủng bố đẫm máu và sự thâm nhập của các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia. Trong bối cảnh ấy, việc Việt Nam trở thành một điểm đến an toàn là sự ghi công rất lớn đối với lực lượng cảnh sát Interpol.

Cuộc chiến chống cái ác

Tại trung tâm của lực lượng Interpol Việt Nam, thông tin về hàng nghìn đầu mối công việc khác nhau dồn dập đổ về từng giây, từng phút. Khi thì là tuyển thủ quốc gia Nguyễn Mạnh Dũng gọi về từ Lebanon nhờ can thiệp do bị cấm nhập cảnh vì trùng tên họ với một đối tượng... khủng bố quốc tế. Khi là những nạn nhân từ Thủ đô Mátxcơva liên lạc cầu cứu vì bị lừa bán, cưỡng bức trở thành nô lệ tình dục trong các động mại dâm...

Tất cả những thông tin này đều được Cảnh sát Interpol lựa chọn phương án tối ưu nhất để giải quyết một cách thấu đáo.

Nhưng chiến công lớn nhất của Cảnh sát Interpol là đã tạo nên một thành lũy vững chắc, ngăn chặn rất hiệu quả những kẻ thủ ác từ ngoài biên giới xâm nhập vào Việt Nam.

Bùi Hữu Tài, một tội phạm khét tiếng gốc Việt từng bị Tòa án Mỹ kết án tù nhưng đã đào tẩu sang Australia, lập ra một ổ nhóm buôn bán ma túy. Do hoạt động tội ác bị một phụ nữ gốc Việt phát hiện, Bùi Hữu Tài đã tổ chức bắt cóc con trai chị là cháu Tuấn Anh để đòi 400.000 USD tiền chuộc. Khi gia đình nạn nhân chỉ lo được 20.000 USD gửi cho chúng thì thi thể cháu bé được Cảnh sát Australia tìm thấy với nhiều vết đạn trên người. Bùi Hữu Tài trốn về Việt Nam với lệnh truy nã đỏ của Cảnh sát Interpol quốc tế và lập tức bị lực lượng Interpol Việt Nam bắt giữ tại đường Hàm Nghi, TP Hồ Chí Minh.

Trước đó, Grear Stephen, quốc tịch Mỹ, phạm tội lạm dụng tình dục trẻ em và Vang Le, đối tượng phạm tội cướp có vũ khí cũng đã được Interpol Việt Nam bắt giữ theo yêu cầu của Cục Điều tra liên bang FBI của Mỹ.

Trong năm 2005, đã có bảy đối tượng truy nã quốc tế, trong đó có bốn tên mang quốc tịch Hàn Quốc đã bị cảnh sát Việt Nam bắt giữ, phối hợp dẫn độ về các nước mà chúng gây án để xét xử Tại Hà Nội, những người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm ăn phi pháp như Ko Kab Ok, đối tượng điều hành đường dây gái gọi tại quán karaoke Cheer, chuyên bán dâm cho người nước ngoài; Bae Jong Gia, quốc tịch Hàn Quốc, phạm tội giết người; Chu Ching Jung, Chủ tịch HĐQT và Quang Bo, Giám đốc CLB Kinh Night Club thuộc khách sạn Lake side phạm tội tổ chức mại dâm và gần đây nhất là Musasa Paul, quốc tịch Dambia, sử dụng hộ chiếu giả lập tài khoản tại các ngân hàng của Việt Nam để rút tiền bất hợp pháp từ nước ngoài đều đã được phát hiện và kịp thời bắt giữ.

Cùng với các loại tội phạm hình sự, cảnh sát Interpol cũng kịp thời phát hiện và bắt giữ hai đường dây buôn bán ma túy giữa Nhật Bản, Đài Loan và Việt Nam. Các đối tượng tội phạm kinh tế sử dụng phương thức, thủ đoạn hoạt động mới trên thế giới vào gây án tại Việt Nam cũng đã được kịp thời phát hiện. Điển hình là vụ Interpol Việt Nam phối với với cảnh sát các nước triệt phá đường dây tội phạm người Hà Lan và Ba Lan, chuyên ăn cắp xe hơi cao cấp hiệu Mercedes, sau đó đưa về Việt Nam. Sáu chiếc xe Mercedes trị giá hàng nghìn USD bị nhóm tội phạm này đánh cắp ở châu Âu rồi chuyển về Việt Nam trên hai chiếc tàu Humber Bridge và Rein Bridge qua cửa khẩu Hải Phòng và Quảng Ninh đều đã bị Interpol Việt Nam thu giữ. "Quý tộc" người Pháp Sa pa Lavelua cấu kết với các đối tượng trong nước lừa đảo bằng thủ đoạn "chạy" vốn từ các ngân hàng thế giới đầu tư vào dự án ở vùng cao chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của các doanh nghiệp trong nước đã phải ra trước Tòa án Việt Nam. Đối tượng Nguyễn Công Hiền, quốc tịch Mỹ sử dụng hộ chiếu và thẻ tín dụng giả, chiếm đoạt 50.000 USD của các ngân hàng cũng đã bị bắt gọn.

Trấn áp mạnh tội phạm hình sự nguy hiểm, phát hiện kịp thời thủ đoạn mới xuất hiện trên thế giới của tội phạm kinh tế, không cho chúng có cơ hội gây án, Cảnh sát Interpol Việt Nam đã tạo nên được một thành lũy chắc chắn chống lại mọi sự xâm nhập của những tội phạm đến từ ngoài biên giới.

Ghi công trạng những chuyên án lớn

Chiến công của Cảnh sát Interpol thường ít được nhắc đến. Họ là những con người thầm lặng và vì yêu cầu nghiệp vụ, tên tuổi và những hình ảnh liên quan đến hoạt động của lực lượng này rất hiếm khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.

Vụ án kinh tế được dư luận đặc biệt quan tâm trong năm 2005 liên quan đến tội phạm quốc tế Nguyễn Đức Chi là một minh chứng.

Vào thời điểm đầu năm 2005, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý Kinh tế và Chức vụ - Bộ Công an đã thu thập nhiều tài liệu cho thấy dấu hiệu lừa đảo của "nhà đầu tư" Nguyễn Đức Chi nhưng quyết định khởi tố vụ án, bắt giam "siêu lừa" chưa thể tiến hành vì chứng cứ được đưa ra không làm cho các quan chức của những bộ, ngành liên quan "tâm phục, khẩu phục".

Interpol Việt Nam nhập cuộc điều tra. Với sự phối hợp của Europol (cảnh sát châu Âu) và Interpol Hoa Kỳ, chúng ta đã xác định được Công ty Arabella mà Nguyễn Đức Chi mượn danh nghĩa để ký hợp đồng mua gạo trị giá 5,5 triệu USD thực chất chỉ là một công ty ma, đăng ký ở bang loa của Mỹ nhưng trụ sở là một quán trọ nhỏ ở tỉnh Avila của Tây Ban Nha, có liên quan đến hoạt động buôn người và rửa tiền. Đặc biệt, với sự phối hợp của cảnh sát Nga, Interpol Việt Nam đã thu thập được thông tin về việc Nguyễn Đức Chi đã lừa đảo 1 triệu USD của Công ty Prodgamma. Những tài liệu này đã củng cố vững chắc cơ sở pháp lý để cơ quan CSĐT- Bộ Công an tiến hành bắt giam Nguyễn Đức Chi.

Vụ án ma túy liên quan đến đối tượng Nguyễn Minh Tuấn cùng các đồng phạm mua bán súng đạn và 355 bánh heroin qua cửa khẩu Cha Lo, nhóm tội phạm gồm các đối tượng là Việt kiều đã điều hành từ Anh quốc, Hồng Công, Ma Cao, Thái-lan về Việt Nam. Interpol Việt Nam đã phối hợp rất hiệu quả với lực lượng phòng chống tội phạm ma túy trong việc bắt gọn Trần Văn Hợi tại Thủ đô Viên Chăn. Đây là đối tượng đã tham gia buôn bán 635 bánh heroin với Hải "Luận", khi bị các đơn vị công an trong nước ra ba lệnh truy nã đặc biệt đã bỏ trốn sang Lào, trở thành "đại lý, cung cấp heroin, thuốc lắc và vũ khí "nóng" tại Viên Chăn.

Vào những ngày giáp Tết Nguyên đán 2006, khi mà vụ án ma túy nêu trên đã cơ bản hoàn tất quá trình điều tra thì Interpol Việt Nam vẫn đang phối hợp chặt chẽ với cảnh sát Hồng Công truy tìm tung tích của Phạm Thị Thanh, đối tượng cầm đầu đường dây, giữ vai trò điều hành, chỉ đạo mọi hoạt động buôn bán ma túy từ Anh quốc, Thái-lan, Hồng Công và Lào về Việt Nam.

Hiện tại, Interpol Việt Nam cũng đang phối hợp chặt chẽ với Ban chuyên án "bàn tay sạch" trong bóng đá Việt Nam để điều tra về tung tích các ông trùm cá độ quốc tế cũng như những phi vụ dàn xếp tỷ số của các trận bóng đá diễn ra bên ngoài biên giới Việt Nam.

Thầm lặng nhưng hiệu quả, trong suốt 15 năm qua, Cảnh sát Interpol đã phối hợp ngoạn mục, ghi công đầu trong nhiều chuyên án lớn liên quan tới các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia và tội phạm có tính quốc tế. Cùng với lực lượng công an cả nước, Interpol Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm, giữ vững cuộc sống an toàn, để Việt Nam mãi là Hidden Charm (sự quyến rũ bí ẩn), mãi là điểm đến của thiên niên kỷ mới.