Indonesia tăng cường năng lực ứng phó thiên tai

Nằm trong vùng Vành đai lửa Thái Bình Dương, Indonesia là một trong những quốc gia phải hứng chịu nhiều thiên tai. Trong bối cảnh các thảm họa tự nhiên diễn ra với tần suất ngày càng tăng, Chính phủ Indonesia đang nỗ lực đưa ra các biện pháp nhằm tăng cường năng lực ứng phó thiên tai.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động cứu hộ tại vụ lở đất ở quần đảo Natuna, Indonesia. (Ảnh AFP)
Hoạt động cứu hộ tại vụ lở đất ở quần đảo Natuna, Indonesia. (Ảnh AFP)

Phát biểu tại Hội nghị điều phối quốc gia về giảm nhẹ thiên tai năm 2023, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Giô-cô Uy-đô-đô) nhấn mạnh, tác động của biến đổi khí hậu khiến thiên tai ngày một gia tăng trên thế giới còn gây nhiều lo ngại hơn cả đại dịch hay chiến tranh.

Theo Tổng thống Joko Widodo, số vụ thiên tai xảy ra tại Indonesia tăng 81% trong hơn 10 năm qua, từ 1.945 vụ năm 2010 lên 3.544 vụ năm 2022. Indonesia thường xuyên phải đối mặt các trận động đất, núi lửa phun trào, lũ lụt… Những thảm họa này để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, gây tổn thất nặng nề về người và của.

Nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó thiên tai, tại hội nghị vừa qua, Tổng thống Joko Widodo kêu gọi các chính quyền địa phương đưa vấn đề giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào kế hoạch phát triển của từng khu vực, cũng như đơn giản hóa hơn nữa các quy định về giải ngân viện trợ để các nạn nhân sớm nhận được hỗ trợ. Công tác dự báo đóng vai trò quan trọng trong việc giảm đến mức thấp nhất những rủi ro thiên tai.

Do đó, Chính phủ Indonesia sẽ tăng cường hệ thống cảnh báo sớm và lập bản đồ các khu vực chịu nhiều thiên tai. Qua đó, những biện pháp phòng ngừa, ứng phó sẽ được đưa ra kịp thời, phù hợp và hiệu quả hơn. Ngoài ra, Indonesia cũng sẽ thúc đẩy xây dựng những cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu trước động đất.

Việc ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao năng lực tìm kiếm và cứu nạn sau thiên tai cũng được Chính phủ Indonesia chú trọng thúc đẩy. Tổng thống Joko Widodo cho rằng, Cơ quan tìm kiếm cứu nạn quốc gia Indonesia không nên để bị tụt hậu và cần áp dụng những tiến bộ khoa học-công nghệ trong lĩnh vực này.

Theo ông Joko Widodo, nhiều công nghệ tiên tiến như máy bay cứu hộ không người lái, robot xác định vị trí nạn nhân... đã được một số nước phát triển sử dụng. Bên cạnh đó, Tổng thống Indonesia cho rằng, lực lượng tìm kiếm và cứu nạn cần được nâng cao năng lực và bổ sung những thiết bị bảo đảm an toàn khi thực hiện nhiệm vụ.

Chương trình giảng dạy về thiên tai được Chính phủ Indonesia xem là một phần quan trọng trong nỗ lực giảm tác động của biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị điều phối quốc gia về giảm nhẹ thiên tai năm 2023, Bộ trưởng điều phối Văn hóa và Phát triển con người Indonesia Muhadjir Effendy (M.Ép-phen-đi) cho biết, chính phủ nước này sẽ nâng cao chất lượng các chương trình giáo dục về thiên tai tại các trường học.

Để đạt hiệu quả cao và phù hợp tình hình thực tế, các chương trình đào tạo sẽ đề cập các thảm họa thiên nhiên mà từng địa phương tại Indonesia thường xuyên phải đối mặt. Theo Bộ trưởng Muhadjir Effendy, Chính phủ Indonesia kỳ vọng rằng, thông qua nỗ lực này, thế hệ trẻ sẽ tăng cường hiểu biết, cũng như các kỹ năng ứng phó cơ bản khi thiên tai xảy ra. Sự tham gia của học sinh, sinh viên, rộng hơn là người dân cũng sẽ góp phần thúc đẩy nỗ lực ứng phó thiên tai của Chính phủ Indonesia.

Như Tổng thống Joko Widodo nhận định, sự cảnh giác và thận trọng là chìa khóa để quản lý rủi ro, ứng phó khẩn cấp và khắc phục hậu quả thiên tai. Cùng với đó, sự đồng lòng của chính phủ, các địa phương, cũng như người dân Indonesia là yếu tố quan trọng để triển khai hiệu quả các giải pháp nêu trên trong thời gian tới.

Nằm trong khu vực chịu nhiều ảnh hưởng từ thiên tai, Indonesia cũng cần sự chung tay của các quốc gia láng giềng, cũng như cộng đồng quốc tế trong nỗ lực chung hướng đến phát triển bền vững hơn trong tương lai.