Indonesia quyết định áp đặt lệnh phong tỏa khẩn cấp

NDO -

Ngày 30/6, Chính phủ Indonesia thông báo sẽ áp dụng lệnh hạn chế hoạt động cộng đồng khẩn cấp từ ngày 3 đến 20/7 với mục tiêu giảm số ca xuống còn 10.000 ca/ngày.

Indonesia đang nước có số ca mắc và tử vong cao nhất khu vực Đông Nam Á. (Ảnh: AP)
Indonesia đang nước có số ca mắc và tử vong cao nhất khu vực Đông Nam Á. (Ảnh: AP)

Indonesia dự kiến sẽ phong tỏa 121 quận/huyện và thành phố trên đảo Java và Bali. Cụ thể, 100% công chức, nhân viên làm việc trong các lĩnh vực không thiết yếu phải làm việc tại nhà.

Các trung tâm thương mại, đền thờ Hồi giáo, công viên và phòng trưng bày phải đóng cửa. Các cửa hàng tiện ích, siêu thị, chợ truyền thống được mở cửa đến 20 giờ hằng ngày và hoạt động tối đa 50% công suất.

Các quán ăn chỉ được bán đồ mang về. Các phương tiện giao thông công cộng hoạt động ở mức 70% công suất. Du khách nội địa đi đường dài trước khi sử dụng phương tiện công cộng như máy bay, tàu hỏa phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa Covid-19, giấy xét nghiệm PCR có kết quả âm tính.

Indonesia điều chỉnh các biện pháp phong tỏa khẩn cấp trong bối cảnh quốc gia này liên tục ghi nhận kỷ lục mới về số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong hai tuần qua.

Cùng ngày, Malaysia ghi nhận 62 ca tử vong do Covid-19, đưa tổng số người tử vong vì dịch bệnh tại nước này tính riêng trong tháng 6 lên 2.377 người, tăng hơn 84% so với tháng 5 (1.290 người) và gấp hơn 5 lần so với tổng số người tử vong vì Covid-19 trong cả năm 2020 (471 người).

Theo Bộ Y tế Malaysia, ngày 30/6, nước này ghi nhận 6.276 ca mắc mới. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm mới hằng ngày ở Malaysia trên mức 6.000 ca, sau 5 ngày liên tiếp khoảng 5.000 ca. Tới nay, Malaysia có tổng cộng 751.979 ca Covid-19, bao gồm 64.129 ca vẫn đang điều trị, tương đương 8,53%, và 5.170 ca tử vong (khoảng 0,69%). 

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trong nước vẫn diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Cao cấp kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Yaakob kêu gọi người dân tuân thủ Quy trình Vận hành tiêu chuẩn (SOP), làm phẳng đường cong dịch bệnh, qua đó sớm tiến tới tiếp tục thực hiện giai đoạn mới Kế hoạch Hồi phục quốc gia.

Trước đó, ngày 15/6, Thủ tướng Muhyiddin Yassin công bố Kế hoạch Hồi phục quốc gia gồm bốn giai đoạn, với ba chỉ tiêu chuyển giai đoạn, gồm số ca nhiễm hằng ngày, công suất sử dụng giường điều trị tích cực và tỷ lệ dân số hoàn thành tiêm chủng.

Malaysia đang ở giai đoạn đầu tiên, muốn chuyển sang giai đoạn 2 cần thỏa mãn ba điều kiện: số ca nhiễm hằng ngày dưới 4.000 ca, công suất sử dụng giường điều trị tích cực về mức trung bình và 10% dân số hoàn thành tiêm chủng.

Nguy cơ làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư