Indonesia nỗ lực gìn giữ nghệ thuật Batik

Ngày 2/10 hằng năm được Indonesia chọn là Ngày Batik quốc gia, nhằm tôn vinh nghệ thuật vải Batik, vốn được xem như một biểu tượng văn hóa đặc trưng của Xứ Vạn đảo. Vào ngày này, người dân Indonesia đều cố gắng mặc trang phục từ vải Batik, với mong muốn góp phần gìn giữ và quảng bá mạnh mẽ hơn di sản văn hóa này tới toàn thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất vải Batik tại Indonesia.
Sản xuất vải Batik tại Indonesia.

Ngày 2/10/2009, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đưa kỹ thuật nhuộm truyền thống Batik của Indonesia vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đồng thời khuyến khích người dân và Chính phủ Indonesia bảo vệ, phát triển và quảng bá nghề thủ công Batik. Dù không phải là nơi sản sinh ra Batik, nhưng Indonesia được coi là thủ phủ của Batik, nơi nghề sản xuất vải truyền thống được nâng tầm lên thành một loại hình nghệ thuật và đạt đến đỉnh cao.

Theo UNESCO, các kỹ thuật sản xuất, biểu tượng và văn hóa liên quan trang phục Batik đã thấm sâu vào cuộc sống của mỗi người Indonesia từ lúc mới chào đời. Khi vừa lọt lòng, đứa trẻ được mặc quần áo từ vải Batik, được địu bằng chiếc khăn cũng từ vải Batik. Trong lễ tedak siten, đánh dấu lần đầu chạm chân xuống đất của một đứa trẻ, tấm vải Batik truyền thống của gia đình sẽ là vật đầu tiên mà chân đứa bé chạm vào. Khi trưởng thành, trang phục từ vải Batik cũng được hàng triệu người Indonesia lựa chọn trong các môi trường kinh doanh, học tập, biểu diễn nghệ thuật,… và cả trong những ngày trọng đại của cuộc đời như lễ kết hôn.

Nghề sản xuất vải Batik được tôn vinh thành một loại hình nghệ thuật bởi để hoàn thiện mỗi tấm vải Batik truyền thống cần trải qua hàng chục công đoạn, với sự phối hợp của nhiều người. Đầu tiên, nghệ nhân phác họa hoa văn trên tấm vải trơn bằng bút chì, sau đó dùng dụng cụ có một đầu như ngòi bút, bên trên có gắn một cái phễu nhỏ để phủ sáp ong nóng chảy theo các đường đã phác thảo. Với những hoa văn nhiều chi tiết phức tạp, công đoạn vẽ có thể kéo dài hàng tuần, thậm chí cả năm, trước khi tấm vải được đem nhuộm bằng các nguyên liệu tự nhiên. Nước nóng làm sáp tan ra, do đó phần vải được phủ sáp vẫn giữ được mầu trắng, trong khi các phần không được phủ sáp nhuốm mầu, tạo nên các hoa văn. Quy trình có thể lặp lại nhiều lần để các hoa văn rõ nét hơn.

Sự phát triển nhanh chóng của ngành sản xuất trang phục trên thế giới khiến nghề làm vải Batik từng có thời kỳ suy giảm, tuy nhiên phần nào hồi sinh từ đầu thế kỷ 21. Các nhà thiết kế thời trang ngày nay kết hợp nhiều loại vải, mầu sắc, hoa văn hiện đại để đổi mới và giúp Batik trở thành mặt hàng thời trang được đông đảo người dân Indonesia lựa chọn mặc hằng ngày. Ngoài dùng để may các trang phục truyền thống cũng như hiện đại, vải Batik ngày nay còn được sử dụng để trang trí nội thất, làm khăn trải bàn, làm rèm cửa, vẽ tranh…

Trong những sự kiện, lễ hội ở cấp quốc gia hay khu vực, Batik thường được Indonesia xem là sản phẩm chủ lực nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước. Thuật ngữ “ngoại giao Batik” được hình thành, mô tả việc giới chức Indonesia thường đưa khách quốc tế tới thăm các cơ sở sản xuất vải Batik.

Được lưu truyền trong các gia đình qua nhiều thế hệ, nghề làm vải Batik gắn liền với bản sắc văn hóa, triết lý sống của người Indonesia. Ý nghĩa biểu tượng của mầu sắc, hoa văn, kiểu dáng trang phục từ vải Batik thể hiện sự sáng tạo và đời sống tâm hồn phong phú của người Indonesia. Và cách mà người dân Xứ Vạn đảo yêu quý, trân trọng, tự hào và tích cực quảng bá Batik với thế giới gợi mở nhiều bài học trong việc gìn giữ những di sản văn hóa quý giá của nhân loại.