Ông Sutopo Purwo Nugroho, Người phát ngôn Cơ quan Quản lý thảm hoạ quốc gia Indonesia xác nhận, ít nhất 48 người đã thiệt mạng do thiên tai và số người chết có thể sẽ gia tăng.
Trước đó ít giờ, ông Sutopo cho biết: “Động đất và sóng thần đã gây ra một số trường hợp thương vong... khi những báo cáo ban đầu cho thấy các nạn nhân chết trong đống đổ nát của những tòa nhà bị sập... Các nhà chức trách vẫn đang đánh giá số thương vong và toàn bộ ảnh hưởng của thiên tai”.
Sóng thần cao tới hai mét đã tràn vào TP Palu, làm sập nhiều tòa nhà và đẩy người dân địa phương sống trong cảnh mất điện.
Theo ông Sutopo, sóng thần đã gây mất điện, dẫn đến gián đoạn hoạt động thông tin liên lạc tại Donggala, tỉnh Tây Sulawesi và các khu vực lân cận. Bộ Truyền thông và Công nghệ thông tin Indonesia đang sửa 276 trạm phát điện. Theo giới chức Indonesia, sau khi xảy ra nhiều dư chấn, hoạt động thông tin liên lạc bị cắt đứt và tình trạng mất điện khiến công tác điều phối các hoạt động cứu nạn trở nên khó khăn. Sân bay chính của TP Palu đã đóng cửa và dự kiến giữ nguyên tình trạng này trong vòng ít nhất 24 giờ. Có hơn 600 nghìn người sống tại Palu và Donggala.
“Sóng thần cao 1,5-2 m đã trút xuống. Lúc đó tình hình trở nên hỗn loạn. Mọi người chạy xuống đường và các tòa nhà đổ sập”, ông Dwikorita Karnawati, người đứng đầu Cơ quan Khí tượng và địa vật lý Indonesia cho biết.
Trước khi sóng thần xuất hiện, trận động đất mạnh có cường độ 7,5 theo thang độ mô-men (Mw) đã làm rung chuyển đảo Sulawesi. Giới chức nước này ban bố cảnh báo sóng thần nhưng đã gỡ cảnh báo trong vòng một giờ.
Theo thông cáo của Trung tâm Đánh giá và Ứng dụng công nghệ có trụ sở tại Jakarta, Indonesia, trận động đất mạnh 7,4 độ tại Donggala, phía trung Sulawes, có năng lượng lớn gấp 200 lần quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Hiroshima năm 1945. Thông cáo cho hay, các phân tích cho thấy phần đất của TP Palu, thủ phủ khu vực Donggla và các khu vực lân cận đã bị biến dạng theo chiều thẳng đứng từ -1,5 đến 0,5 cm sau trận động đất mạnh này. Cụ thể, ước tính phần đất dọc bờ biển ở phía bắc Palu, Towaeli, Sindue, Sirenja, Balaesang đã bị hạ thấp xuống từ 0,5-1 m; trong khi đó phần đất tại Banawa đã nâng cao 0,3 cm.
Đêm qua, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết, chính phủ nước này sẵn sàng tiến hành các biện pháp ứng phó trận động đất vừa làm rung chuyển tỉnh Tây Sulawesi.
Cơ quan Tìm kiếm và cứu nạn quốc gia Indonesia sẽ huy động một tàu lớn và các trực thăng để hỗ trợ hoạt động tìm kiếm. Các lực lượng vũ trang và cảnh sát cũng sẽ triển khai binh sĩ và thiết bị hỗ trợ hoạt động ứng phó khẩn cấp.
Ngày 29-9, lực lượng cứu nạn đã nhanh chóng tới khu vực bị sóng thần tấn công tại miền trung Indonesia và đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra.
Thông báo của Cơ quan Khí tượng, Thời tiết và Địa chất (BMKG) Indonesia cho biết, vào lúc 4 giờ 24 phút sáng nay, miền trung Sulawesi lại tiếp tục hứng chịu một trận động đất mạnh 5,5 độ ở khu vực Sigi. Hình ảnh từ vệ tinh cho thấy tâm chấn nằm ở độ sâu 10 km trên đất liền, cách khu vực Sigi 34 km về phía đông nam. Trận động đất không gây ra cảnh báo sóng thần.
Người đứng đầu Trung tâm Giảm thiểu thảm họa địa chất và Núi lửa Indonesia (PVMBG) Sri Hidayati cho biết, TP Palu và khu vực Donggala nằm trong khu vực báo động đỏ của bản đồ động đất. Mức báo động đỏ là mức có khả năng cao xảy ra các trận động đất. Theo ông Hidayati, trận động đất mạnh 7,4 độ vừa qua xảy ra do hoạt động đứt gãy mảng địa chất Palu-Koro, trải dài từ tây Donggala tới Vịnh Palu. Người đứng đầu PVMBG hy vọng rằng trận động đất tại Donggala sẽ không gây ra hàng trăm dư chấn giống như trận động đất tại Lombok hồi tháng trước. Tuy nhiên, ông cảnh báo người dân vẫn phải hết sức cảnh giác và tuân thủ các chỉ dẫn của chính quyền địa phương.
* Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia thông báo:
Trước mức độ nghiêm trọng của trận động đất, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đề nghị người Việt Nam tại Indonesia không di chuyển tới vùng ảnh hưởng của động đất và sóng thần. Đối với những trường hợp người Việt Nam đang mắc kẹt tại khu vực này hoặc cần hỗ trợ, liên hệ ngay với Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia qua đường dây nóng: (+62 21) 31907165 và (+62) 811161025.
(Video: Nguồn Antara)