Đông Nam Á đã tránh được những điều tồi tệ nhất khi đại dịch bùng phát vào năm 2020. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, khu vực này đã ghi nhận số ca tử vong ở mức cao nhất thế giới. Việc số ca mắc mới tăng vọt đã đẩy hệ thống chăm sóc sức khỏe khu vực vào tình trạng quá tải.
Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IFRC, ông Alexander Matheou cho rằng, sự bùng phát Covid-19 do biến thể Delta gây ra đang khiến số ca tử vong trong các gia đình trên toàn khu vực Đông Nam Á tăng nhanh và tình trạng này còn lâu mới chấm dứt.
Ông Matheou kêu gọi, trong ngắn hạn, các nước phát triển cần khẩn trương chia sẻ hàng triệu liều vaccine dư thừa cho các quốc gia Đông Nam Á. Đồng thời, các quốc gia và hãng vaccine cũng cần chia sẻ công nghệ và tăng cường sản xuất vaccine.
Tại Indonesia và Philippines, hai quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, khoảng 10 đến 11% dân số đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19.
Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IFRC dự báo, những tuần sắp tới có vai trò thiết yếu trong việc tăng cường điều trị, xét nghiệm và tiêm chủng ở "khắp mọi nơi tại tất cả các quốc gia Đông Nam Á".
Ông cho rằng khu vực này phải đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70-80% dân số để sớm kiểm soát đại dịch.
Đường phố New Zealand vắng vẻ trong ngày đầu phong tỏa
Liên quan đến tình hình dịch Covid-19 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, New Zealand ngày 17/8 đã công bố biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt trên toàn quốc.
Quyết định này được đưa ra sau khi New Zealand ghi nhận ca lây nhiễm đầu tiên trong cộng đồng sau gần 6 tháng. Ca bệnh này được phát hiện tại thành phố Auckland và bị nghi nhiễm biến thể Delta.
Theo Thủ tướng Jacinda Ardern, kết quả giải trình tự gen cho thấy, ca nhiễm tại Auckland liên quan đến đợt bùng phát tại bang New South Wales của Australia. Tuy nhiên, chưa rõ biến thể Delta đã xâm nhập vào New Zealand bằng cách nào.
Sau khi New Zealand ghi nhận thêm 10 ca nhiễm mới, bà Ardern cho rằng: "Theo kinh nghiệm về những gì đã thấy ở các nước khác, chúng tôi chắc chắn sẽ có thêm ca nhiễm".
Thủ tướng New Zealand khẳng định trong một cuộc họp báo, quyết định phong tỏa sẽ giúp nước này được đặt trong tình trạng ít rủi ro hơn rất nhiều.
Gần như toàn bộ New Zealand sẽ thực hiện đợt phong tỏa cấp độ 4 (mức cảnh báo cao nhất) trong ít nhất ba ngày, thành phố Auckland sẽ áp lệnh phong tỏa trong bảy ngày.
Hôm nay (ngày 18/8), đường phố tại New Zealand hầu như đều vắng vẻ. Tại thủ đô Wellington, rất ít người di chuyển trong trung tâm thành phố. Hình ảnh trên truyền hình cũng cho thấy khung cảnh tương tự tại thành phố Auckland.
Trước đó, ngày 17/8, nhiều người dân New Zealand đã đổ xô đi mua hàng dự trữ sau khi Chính phủ công bố đợt phong tỏa mới, dù nhà chức trách khẳng định sẽ không thiếu các mặt hàng thiết yếu. Trong khi đó, các doanh nghiệp và trường học nhanh chóng chuyển sang hình thực làm việc và học tập trực tuyến.
Australia trong làn sóng lây nhiễm thứ ba
Cũng trong ngày 18/8, nhà chức trách Australia cho biết, đợt bùng phát biến thể Delta tại thành phố lớn nhất nước này vẫn chưa chạm đỉnh và có thể sẽ có thêm nhiều ca tử vong. Sydney vẫn tiếp tục phá vỡ kỷ lục về số ca mắc mới tính theo ngày dù đã thực hiện lệnh phong tỏa trong gần hai tháng.
"Chúng ta vẫn chưa chứng kiến điều tồi tệ nhất và cách ngăn chặn điều đó xảy ra là tất cả mọi người hãy ở yên trong nhà", Thủ hiến bang New South Wales Gladys Berejiklian nhấn mạnh.
Bang New South Wales đã ghi nhận số ca mắc mới tăng kỷ lục trong ngày 17/8, trong đó có 545 ca tại thành phố Sydney. Trước đó một ngày, số ca mắc mới tại bang này là 478. 60 bệnh nhân Covid-19 đã tử vong kể từ khi ca đầu tiên nhiễm biến thể Delta được phát hiện tại Sydney vào ngày 16/6.
Với 28% người từ 16 tuổi trở lên tại bang New South Wales được tiêm chủng đầy đủ, người đứng đầu ngành y tế của bang này Kerry Chant cảnh báo sẽ có thêm nhiều trường hợp tử vong nếu số ca mắc tiếp tục tăng.
Việc thành phố Sydney, thành phố Melbourne và thủ đô Canberra đang thực hiện các biện pháp yêu cầu người dân ở nhà đang đặt nền kinh tế 1,5 nghìn tỷ đứng trước nguy cơ suy thoái sau nhiều năm.