Tòa án không nêu cụ thể diện tích khu đất này mà chỉ nói rõ nó phải phù hợp với vùng đất tự nhiên.
Trả lời phỏng vấn của báo giới sau phán quyết, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong cho biết, ông hài lòng với phán quyết của Tòa, nhưng cần có thời gian và phải đối thoại với Thái lan để cùng nhau xác định diện tích vùng lân cận này của ngôi đền, hoàn thành việc thực hiện phán quyết của ICJ.
Nhật báo Dân tộc của Thái lan dẫn lời Đại sứ nước này tại Hà Lan (nơi đặt trụ sở của ICJ), ông Virachai cho biết, Campuchia chỉ giành được một phần nhỏ của vùng đất tranh chấp quanh ngôi đền. “Chúng tôi vẫn đang tính toán số lượng chính xác”, ông nói.
Thủ tướng Thái lan Yingluck Shinawatra tuyên bố "hài lòng" với phán quyết của ICJ, cho rằng phán quyết này phần nào "có lợi" cho nước này, vì ICJ đã không xem xét đề nghị của Campuchia về phân định chủ quyền vùng đất có diện tích 4,6 km2 bao quanh ngôi đền, nằm giữa đường biên giới Thái lan- Campuchia. Thay vào đó, ICJ gợi ý Thái lan và Campuchia nên hợp tác thông qua các cơ chế song phương hiện hành như Ủy ban hỗn hợp về phân định biên giới để giải quyết tranh chấp giữa hai nước.
Theo bà Yingluck ,Thái lan và Campuchia chia sẻ đường biên giới dài 800 km. Đều là thành viên ASEAN, hai nước sẽ hợp tác với nhau vì thịnh vượng chung.
TTXVN đưa tin, tối 11-11, Thủ tướng Campuchia Hun Sen có bài phát biểu trên Đài truyền hình quốc gia nước này, nhấn mạnh phán quyết của ICJ có ý nghĩa lịch sử to lớn và đánh dấu bước tiến quan trọng về nỗ lực của Chính phủ Campuchia giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Thái lan một cách hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.
Thủ tướng Hun Sen khẳng định, Campuchia sẽ tuân thủ cam kết cùng Thái lan ngăn chặn, kiềm chế các hoạt động có thể gây căng thẳng, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tăng cường mối quan hệ tốt đẹp nhằm xây dựng một khu vực biên giới hòa bình, ổn định và hợp tác.
Ông Hun Sen kêu gọi lực lượng vũ trang, nhân dân Campuchia và Thái lan bình tĩnh, chờ đợi kết quả thỏa thuận giữa Chính phủ hai nước về việc thực hiện phán quyết của ICJ để duy trì hòa bình, ổn định.
Cuối tháng 4-2012, Campuchia gửi kiến nghị lên ICJ, yêu cầu làm rõ phán quyết năm 1962 của Tòa án này liên quan đến ngôi đền Preah Vihear. Năm 1962, ICJ phán quyết đền Preah Vihear thuộc Campuchia, nhưng Thái lan và Campuchia cùng đòi chủ quyền đối với khu vực rộng 4,6 km2, quanh ngôi đền.
Tranh cãi giữa Campuchia và Thái lan về chủ quyền vùng đất quanh đền Preah Vihear vốn tồn tại nhiều năm và đã trở nên căng thẳng kể từ khi ngôi đền này được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục LHQ (UNESCO) đưa vào danh sách Di sản thế giới vào tháng 7-2008. Mâu thuẫn này cũng khiến tại đây diễn ra nhiều cuộc đụng độ giữa quân đội hai nước, làm hàng chục người thiệt mạng và khiến người dân khu vực biên giới nhiều lần phải sơ tán để tránh thương vong.
Trong phán quyết lần này, ICJ kêu gọi Thái lan và Campuchia hợp tác bảo vệ ngôi đền Hindu hơn 900 năm tuổi này vì đây là một di sản thế giới.
Phán quyết có tính pháp lý quốc tế ràng buộc đối với Thái lan và Campuchia.
ICJ phán quyết về vùng đất quanh đền Preah Vihear
NDO -
NDĐT-Chiều 11-11, Tòa án Quốc tế (ICJ) ra phán quyết, khu đất lân cận quanh ngôi đền Preah Vihear theo bản đồ Phụ lục I (Campuchia đã trình lên ICJ) là thuộc chủ quyền của Campuchia. Thái lan phải rút quân đội, cảnh sát, cũng như các lực lượng canh giữ và bảo vệ khác khỏi khu vực này.
![]() |