Bình Chánh là huyện cuối cùng của Thành phố Hồ Chí Minh đạt chuẩn nông thôn mới, sau các huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ. Đến nay, toàn thành phố đã có 56/56 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; có 5/5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Bình Chánh là huyện cửa ngõ phía tây nam của Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp giáp vùng sản xuất nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long. Trong quá trình triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện có xuất phát điểm thấp và có rất nhiều khó khăn.
Qua 10 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Bình Chánh đã huy động nguồn lực đầu tư xây dựng địa phương khang trang, đồng bộ, hiện đại; phát triển được 1.311 tuyến giao thông với chiều dài gần 1.700 km; cải tạo, nâng cấp được 269 công trình thủy lợi; xây mới, cải tạo và đưa vào sử dụng 85 điểm trường với 1.545 phòng học…
Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 của huyện Bình Chánh đạt gần 70 triệu đồng, tăng 1,7 lần so với năm 2015 và gấp 4 lần năm 2010. Tổng số hộ nghèo có mức thu nhập từ 28 triệu đồng/người/năm trở xuống chỉ chiếm 0,27%; tỷ lệ lao động có việc làm chiếm 97%... Đến nay, 14/14 xã của huyện Bình Chánh đã được công nhận hoàn thành 19/19 tiêu chí và huyện đạt 9/9 tiêu chí.
Giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, huyện Bình Chánh tập trung mọi nguồn lực để xây dựng các chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt phải thực hiện và cũng là mục tiêu phấn đấu đưa huyện Bình Chánh thành thành phố trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai.
Dịp này, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh công bố sản phẩm OCOP của thành phố năm 2021; tổ chức ký kết, hợp tác tiêu thụ các sản phẩm OCOP.
Tại buổi lễ, huyện Bình Chánh vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước trao tặng.