Huy động viện trợ quốc tế cho Syria và Thổ Nhĩ Kỳ

Số người thiệt mạng trong thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã tăng lên gần 20.000 người.
0:00 / 0:00
0:00
Đống đổ nát sau vụ động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Đống đổ nát sau vụ động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Các chuyên gia lo ngại con số sẽ tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt khi các nỗ lực cứu hộ vượt quá mốc 72 giờ, khoảng thời gian có khả năng cứu sống nhiều người nhất. Dưới tiết trời giá lạnh, các lực lượng cứu hộ đang cố gắng đẩy nhanh tốc độ tìm kiếm những người còn sống sót. Những người sống sót đối mặt với khủng hoảng về thực phẩm và nơi trú ẩn.

Nhiệt độ giảm xuống âm 50C ở thành phố Gaziantep vào đầu ngày 9/2 khiến điều kiện sinh hoạt thêm khắc nghiệt, đặc biệt đối với hàng nghìn gia đình chọn ngủ lại trong ô-tô và lều tạm.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thừa nhận “những thiếu sót” sau hàng loạt chỉ trích đối với phản ứng của chính phủ liên quan đến trận động đất. Ông Erdogan đã đến thăm một trong những điểm bị ảnh hưởng nặng nề nhất, tâm chấn của trận động đất tại tỉnh Kahramanmaras và thừa nhận các vấn đề còn tồn tại trong công tác phản ứng.

Liên minh châu Âu (EU) đang lên kế hoạch tổ chức hội nghị các nhà tài trợ vào tháng 3 để huy động viện trợ quốc tế cho Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Một quan chức hàng đầu của Liên hợp quốc cũng kêu gọi tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận viện trợ tại các khu vực Tây Bắc Syria, đồng thời cảnh báo rằng các nguồn cung cứu trợ sẽ sớm cạn kiệt.

EC đã khuyến khích các nước thành viên EU đáp ứng đề nghị về thực phẩm và vật tư y tế của Syria. EU đã triển khai các đội cứu hộ đến Thổ Nhĩ Kỳ và cung cấp hỗ trợ tối thiểu cho Syria do ảnh hưởng các lệnh trừng phạt của EU đối với chính phủ nước này. Hàng chục quốc gia, gồm Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia vùng Vịnh cam kết giúp đỡ và triển khai các đội tìm kiếm cũng như bảo đảm hàng cứu trợ được chuyển đến.

Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã quyết định viện trợ nhân đạo 100.000 USD cho Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giúp Ankara giải quyết những khó khăn do trận động đất gây ra, cũng như hỗ trợ các nỗ lực ứng cứu hiện nay. Tại Nhật Bản, nhiều doanh nghiệp lớn đã phát động phong trào quyên góp ủng hộ các nạn nhân của thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản AEON, Tập đoàn Seven & i Holdings đã đặt thùng quyên góp tại các cơ sở trong hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc và nhận quyên góp tới cuối tháng 2.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, WHO sẽ cử phái đoàn đến Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn và cử 3 máy bay chở vật tư y tế đến các khu vực bị động đất tàn phá, trong đó một chuyến bay đang trên đường đến thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Đại diện của WHO tại Syria cho biết “nhu cầu về y tế là rất lớn”.